Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và Nga chưa đạt thoả thuận về hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu, nhưng nhất trí sẽ tiếp tục tìm kiếm thoả hiệp về vấn đề này trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO tại Chicagô (Mỹ) vào tháng 5/2012.
Dự kiến, hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Nga-NATO cũng sẽ diễn ra vào thời điểm này. Tổng Thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen tuyên bố như trên sau cuộc họp cấp ngoại trưởng Hội đồng Nga-NATO ngày 8/12 tại Brúcxen (Bỉ).
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh Nga không chấp nhận việc hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO bao trùm một phần lãnh thổ của Nga.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet. |
Bên cạnh đó, Nga và NATO còn bất đồng về vấn đề Grudia gia nhập NATO và việc NATO lạm dụng nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tại Libi.
Tuy nhiên, hai bên cũng đã đạt được một số thoả thuận hợp tác trong các lĩnh vực khác. Hai bên đã tán thành đề xuất của Nga về việc tăng cường hợp tác đấu tranh cướp biển Xômali. Hội đồng Nga-NATO cũng đang xem xét các biện pháp thực hiện những đề xuất của Nga, gồm cải thiện phối hợp thông tin liên lạc, hợp tác hỗ trợ y tế, hợp tác hậu cần, tiếp nhiên liệu. Hai bên cũng đạt thoả thuận tăng cường việc cùng kiểm soát vũ khí hoá học và sinh học.
Ông Rasmussen cho biết hệ thống phối hợp Nga-NATO về chống khủng bố trên không mang tên "Sáng kiến hợp tác trên không" đã sẵn sàng đi vào hoạt động.
Hội đồng Nga-NATO nhất trí đánh giá năm 2011, hai bên đạt tiến bộ khả quan trong hợp tác về Ápganixtan, chống cướp biển và chủ nghĩa khủng bố. Hai bên cũng thông qua kế hoạch hoạt động của Hội đồng Nga-NATO năm 2012, trong đó gồm vấn đề Ápganixtan, chống khủng bố, chống cướp biển và các lĩnh vực khác.
Trước đó cùng ngày 8/12, ngoại trưởng 28 nước thành viên NATO trong cuộc họp tại Brúcxen khẳng định mong muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược thực sự Nga-NATO.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 23/11 đã công bố các biện pháp mang tính kỹ thuật-quân sự và ngoại giao mà Nga sẽ thực thi để đáp trả việc triển khai "lá chắn tên lửa" của NATO ở châu Âu. Việc đưa vào hoạt động trạm rađa cảnh báo các vụ tấn công bằng tên lửa tại tỉnh Caliningrát được xem là bước đi đầu tiên theo hướng này.
TTXVN/Tin Tức