Theo hãng tin AP, đây là cuộc cạnh tranh căng thẳng nhất để giành ảnh hưởng ở châu Phi kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều có chuyến thăm một số nước châu Phi trong tuần này. Bà Samantha Power, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đã đến Kenya và Somalia vào tuần trước. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield sẽ đến Ghana và Uganda vào tuần tới.
Ông William Gumede, Giám đốc của tổ chức Democracy Works, cho biết: “Tình hình giống như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra ở châu Phi, nơi các bên đối địch đang cố gắng giành ảnh hưởng”.
Tại châu Phi, ông Lavrov cáo buộc phương Tây là bên có lỗi trong làm cho giá lương thực tăng cao. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây cáo buộc Điện Kremlin sử dụng lương thực làm vũ khí.
Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã nỗ lực giành sự ủng hộ ở châu Phi, củng cố lại tình hữu nghị có từ nửa thế kỷ trước, khi Liên Xô ủng hộ nhiều phong trào châu Phi đấu tranh chấm dứt chế độ thuộc địa. Ông Gumede nói: “Bây giờ chiến dịch đó đã đi vào giai đoạn tăng tốc”.
Ảnh hưởng của Nga ở châu Phi đã được thể hiện vào tháng 3 trong cuộc bỏ phiếu tại Liên hợp quốc có nội dung lên án hành động của Nga ở Ukraine. Trong khi 28 quốc gia châu Phi bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, thì có 25 quốc gia bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu.
Ngoại trưởng Lavrov từng lên tiếng ủng hộ cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm trao cho các nước châu Phi ghế thường trực và có tầm ảnh hưởng lớn hơn.
Ông Lavrov trong tuần này cũng đã đến thăm Ai Cập, Congo, Uganda và Ethiopia, cam kết xây dựng tình hữu nghị và tiếp tục quy trách nhiệm cho Mỹ cũng như các nước châu Âu về giá cả lương thực cao. Ông cũng cáo buộc các nước này tích trữ lương thực trong đại dịch COVID-19.
Ông Lavrov nói tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia: “Tình hình ở Ukraine cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lương thực, nhưng không phải do hoạt động đặc biệt của Nga, mà là do phản ứng hoàn toàn không phù hợp của phương Tây, các nước đã công bố các lệnh trừng phạt”.
Tại Uganda, Ngoại trưởng Lavrov đã được Tổng thống Yoweri Museveni đón tiếp nồng nhiệt. Trong nhiều năm, ông Museveni là đồng minh của Mỹ nhưng đã từ chối chỉ trích Nga. Xuất hiện cùng Ngoại trưởng Lavrov, nhà lãnh đạo Uganda nói tích cực về mối quan hệ cũ với Nga.
Nhà phân tích chính trị người Uganda Asuman Bisiika cho biết: Tổng thống Museveni là một lựa chọn rõ ràng với Nga khi muốn tăng cường quan hệ. Uganda là trung tâm của lực hấp dẫn ở Đông Phi.
Tổng thống Museveni luôn nghiêm túc đeo khẩu trang ở nơi công cộng kể từ khi bùng phát COVID-19, nhưng ông đã bỏ khẩu trang khi chào ông Lavrov trước ống kính máy ảnh để thể hiện sự nồng nhiệt với người Nga. Tổng thống Museveni đã đeo khẩu trang trở lại trong lần xuất hiện tiếp theo trước công chúng một ngày sau đó.
Nga cũng đang thu hút dư luận châu Phi thông qua mạng truyền hình nhà nước RT. RT đã thông báo sẽ mở một văn phòng mới ở Johannesburg.
Ông Anton Harber, giáo sư báo chí tại Đại học Witwatersrand ở Nam Phi, nhận định: “Đối với Nga, đó là cuộc chiến để được lắng nghe ở châu Phi… Điều quan trọng là ảnh hưởng chính trị lâu dài. Nga coi đó là mảnh đất màu mỡ để vun đắp ảnh hưởng”.
Về phần mình, trong chuyến công du châu Phi, Tống thống Pháp Emmanuel Macron đã cáo buộc Điện Kremlin sử dụng các kênh truyền hình như RT để tuyên truyền. Ông cáo buộc Điện Kremlin cản trở xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Hành trình của ông Macron còn có Cameroon và Guinea-Bissau. Tại đây, ông Macron kêu gọi người châu Phi phản đối Nga.
Bà Power, Giám đốc USAID, cũng đã có mặt ở Đông Phi để cam kết viện trợ giúp khu vực chống lại nạn đói trong bối cảnh hạn hán kinh hoàng kéo dài nhiều năm. Bà cũng chỉ trích Nga mạnh mẽ về vấn đề phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc.
Trước đó, ngày 22/7, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc tại Istanbul mà Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc là các bên đồng bảo lãnh. Theo đó, nhóm gồm các nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc sẽ giám sát hoạt động chất hàng lên tàu tại cảng của Ukraine, trước khi hàng đi qua tuyến đường được vạch sẵn trên Biển Đen. Thỏa thuận nếu được thực hiện sẽ giúp giải phóng khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc/tháng từ 3 cảng Ukraine.
Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng cuộc xung đột đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine, khi giao tranh khiến mùa màng tổn thất, cảng biển phong tỏa và bị cài thủy lôi.