Hạm đội tàu phá băng Rosatomflot của Nga đang ấp ủ một công trình đầy tham vọng: mở rộng con đường hàng hải nối liền châu Á với châu Âu đi ngang qua Bắc cực, vùng thuộc chủ quyền của Nga.
Các chuyên gia đánh giá về lâu dài Mátxcơva muốn biến tuyến đường Đông Bắc này trở thành hải trình cạnh tranh với Kênh đào Suez.
Nga đang ấp ủ tham vọng mở rộng con đường hàng hải nối liền châu Á với châu Âu đi ngang qua Bắc cực. Ảnh: Internet. |
Để so sánh, chặng đường nối liền cảng Busan của Hàn Quốc với Mourmansk của Nga dài hơn 19.700 km và phải mất 37 ngày tàu mới cập bến. Nhưng với tuyến đường Đông Bắc đó, hành trình được rút ngắn xuống còn 18 ngày.
Tuy nhiên, tuyến đường tắt đi ngang qua miền Bắc nước Nga đòi hỏi một số điều kiện nhất định. Thứ nhất, vỏ tàu bắt buộc phải có độ dày đủ để bảo đảm an toàn khi đụng phải những tảng băng. Thứ hai, tàu chở hàng chỉ được phép đi sau một con tàu phá băng của Nga. Thứ ba, con đường Đông Bắc chỉ có thể hoạt động vài tuần hàng năm vào những tháng hè ấm áp nhất.
Hiện mỗi năm có 18.000 tàu bè đi qua Kênh đào Suez (nối liền Hồng Hải với Địa Trung Hải) và một tỷ tấn hàng được chung quyền qua kênh đào này. Trong khi đó, tuyến đường Đông Bắc do Nga khai thác mới chỉ mở ra cho tàu bè quốc tế qua lại từ năm 2010 và chỉ hoạt động được vài tháng trong năm. Chỉ có 1,2 triệu tấn hàng, chủ yếu là dầu hỏa và khí đốt, được chung chuyển qua tuyến đường này.
Thế nhưng, theo đặc phái viên báo Le Monde, chỉ trong một vài năm nữa tuyến đường Đông Bắc sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn, nhờ dự án đầu tư khổng lồ Yamal của tập đoàn Gazprom (Nga).
Rosatomflot cho biết trong một thập niên tới, hàng năm sẽ có 20 triệu tấn hàng được chung chuyển qua tuyến đường này, thay vì một triệu tấn như hiện nay. Chính phủ Nga đã trang bị thêm 6 tàu phá băng chạy bằng năng lượng nguyên tử, để bảo đảm an toàn cho khách hàng.
Các chuyên gia cho biết sự phát triển của con đường hàng hải này có được nhờ khí hậu trái đất ấm lên. Cách đây 2 năm, tàu bè chỉ có thể qua lại khu vực này trong vài tuần từ tháng 6 đến tháng 9, nhưng năm nay, con đường Đông Bắc đã hoạt động cho đến giữa tháng 11. Năm 2010, chỉ có 4 tàu nước ngoài đi ngang qua đây, đến nay đã có 46 chiếc sử dụng con đường hàng hải mới này.
Theo Le Monde, lâu nay Nga vẫn luôn đặc biệt quan tâm đến việc khai thác con đường hàng hải Đông Bắc. Thành phố cảng Mourmansk được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, nhằm bảo đảm cho nước Nga một cánh cổng ra biển Baranh.
Kể từ năm 1970, con đường Đông Bắc đã đóng một vai trò chiến lược trong giai đoạn Liên Xô bắt đầu khai thác dầu khí ở Bắc cực.
Ngay từ năm 1987, người đứng đầu Liên Xô thời đó là ông Machail Gorbatchev đã chủ trương mở rộng con đường hàng hải này để cho tàu thuyền quốc tế qua lại. Thế rồi Liên Xô cũ sụp đổ vào tháng7/1991 và kế hoạch đó đã bị chìm vào quên lãng cho đến đầu những năm 2000 đề án nâng cấp con đường Đông Bắc mới được khởi động trở lại.
Trà My (Theo Đài RFI)