Với việc bà Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga E. Nabiullina và ông Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy tươi cười đặt bút ký vào Nghị định thư kết thúc đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tuần trước, Nga đã được kết nạp vào tổ chức quốc tế quan trọng này. Chỉ cần một vài thủ tục pháp lý nữa của phía Nga, đến giữa năm 2012, Nga sẽ là thành viên chính thức của WTO.
18 năm rắc rối phi thương mại
Có lẽ Nga đã lập một kỷ lục: cuộc đàm phán gia nhập WTO kéo dài 18 năm. Trong 18 năm ấy, có lúc các quan chức lãnh đạo cấp cao của Mátxcơva đã giận dữ tuyên bố Nga có thể “không cần” tham gia WTO cũng chẳng sao!?
Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga E. Nabiullina (hàng trước, bên trái) và Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy (hàng trước, bên phải) với các văn kiện tại lễ ký kết gia nhập WTO ở Geneva). Ảnh: AFP/ TTXVN |
Là một nước lớn, một nền kinh tế rất quan trọng, nhưng suốt tiến trình đàm phán, Nga liên tục bị o ép. Lẽ ra, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế - thương mại. Nhưng nhiều vấn đề chính trị đã bị lợi dụng, được chèn vào cuộc đàm phán thương mại để bắt bí Nga.
Nhiều năm, trở ngại lớn nhất là do Mỹ dựng lên, nếu không từ phía Nhà Trắng thì là từ đồi Capitol. Có lúc, rào cản là Liên minh châu Âu (EU), tuy những nước lớn trong nhóm này như Đức, Pháp đã “thuận” song lại có những nước như Phần Lan bất ngờ nêu ra những “bài toán” mới rất khó giải. Chẳng hạn như việc Nga đánh thuế cao đối với gỗ tròn xuất khẩu gây ảnh hưởng mạnh đến ngành sản xuất đồ gỗ của nước láng giềng này… Và đến khi mọi chuyện tưởng đã xong thì giữa năm 2011, nước láng giềng Grudia như thể từ lỗ nẻ chui lên ngáng đường Nga cán đích WTO. Gia nhập WTO năm 2000, dưới thời lãnh đạo của Tổng thống M. Sakaashvili, Grudia có quan hệ ngày càng căng thẳng với Nga và mùa Hè năm 2008 giữa hai bên đã bùng nổ xung đột vũ trang. Sau cuộc chiến, Mátxcơva đã tuyên bố công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia - hai vùng lãnh thổ thuộc Grudia đòi ly khai. Grudia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Đàm phán song phương Nga – Grudia về WTO (do Thụy Sĩ làm trung gian) cứ nối lại rồi vẫn thất bại. Cho đến cuối tháng 10/2011, với sự nhượng bộ nhất định của Mátxcơva trong một vài vấn đề, cùng với áp lực mạnh của Mỹ đối với Tbilixi, hai bên đã hoàn tất đàm phán, trở ngại cuối cùng trên con đường Nga đi “chợ toàn cầu” được dỡ bỏ.
“Có cô thì chợ thêm đông”Nga là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, do đó, việc nước này gia nhập WTO là một sự kiện trọng đại đối với kinh tế - thương mại toàn cầu. Có Nga tham gia, các quy tắc của WTO sẽ đụng chạm đến 97% khối lượng thương mại thế giới. Có lẽ vì thế, những phát biểu của giới chức WTO, Nga, Mỹ… sau sự kiện hoàn tất tiến trình đàm phán của Nga đều nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, đóng góp, tác động của nước này đối với kinh tế toàn cầu. Bà Bộ trưởng E. Nabiullina nhận xét, “kinh tế thế giới đang ở trong thời buổi đầy khó khăn và đây là lúc xuất hiện nhiều rủi ro gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch; tham gia WTO, Nga sẵn sàng tích cực ngăn chặn những rủi ro đó”. Bà Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Đối với Mátxcơva, hoàn tất tiến trình đàm phán không phải là đã về đích mà mới là cuộc xuất phát; hoạt động của Nga trong khuôn khổ WTO vừa để duy trì những quy tắc thương mại đã có lại vừa nhằm xây dựng những nguyên tắc mới của WTO ngang tầm những thách thức thời đại và đáp ứng lợi ích phát triển toàn cầu”.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy cho rằng, “nước Nga sẽ trở thành một trong những nước dẫn đầu, một thành viên tích cực của WTO”. Còn Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk thì thừa nhận, “chỉ đến khi Nga gia nhập thì WTO mới thật sự trở thành một tổ chức toàn thế giới”. Theo quan chức này, sự kiện Nga gia nhập WTO “đánh dấu một mốc hết sức quan trọng trong quan hệ Mỹ - Nga; Nga vào WTO có lợi cho chính nước Nga, và chúng tôi cũng biết là có lợi cho cả Mỹ, cho tất các nước khác thành viên WTO”.
Một nước Nga mới
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thành lập năm 1995, hiện có 154 thành viên chính thức (trong đó, Việt Nam được kết nạp năm 2007) và 29 quan sát viên. Tiền thân của WTO là tổ chức Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT).
WTO là tổ chức quốc tế duy nhất điều chỉnh các quy tắc thương mại giữa các quốc gia. Chức năng chính của WTO là bảo đảm cho quan hệ thương mại quốc tế diễn ra thuận lợi, tự do. Giải quyết tranh chấp thương mại là một trong những yếu tố then chốt trong hoạt động của WTO. 16 năm qua, WTO đã thụ lý 495 vụ khiếu kiện tranh chấp thương mại (thời kỳ tồn tại GATT từ 1947 đến 1994 chỉ có 132 vụ). “Thủ lĩnh” về khiếu kiện tranh chấp trong WTO là Mỹ và Liên minh châu Âu: Kể từ khi WTO thành lập đến nay, Mỹ đã kiện 98 vụ và tham gia 92 vụ với tư cách bên thứ ba; đối tượng bị Mỹ khiếu kiện nhiều nhất là EU (19 vụ), Trung Quốc (12 vụ), Hàn Quốc, Nhật Bản và Mêhicô (đều 6 vụ). Mỹ cũng là nước bị khiếu kiện nhiều nhất (113 vụ, chiếm gần ¼ tổng số vụ kiện).
Liên bang Nga là quốc gia lớn nhất thế giới với diện tích hơn 17 triệu km2, ở cả châu Âu và châu Á, số dân trên 142 triệu người. Nga chiếm vị trí số 2 thế giới về sản lượng dầu thô với gần 10,3 triệu thùng/ngày. Nga cũng chiếm vị trí thứ hai về xuất khẩu dầu thô với hơn 7,3 triệu thùng/ngày. Trữ lượng dầu mỏ đã được phát hiện của Nga là 60 tỷ thùng, xếp thứ tám trên thế giới. Về sản lượng khí đốt tự nhiên, Nga xếp thứ hai với 610,1 tỷ m3 (năm 2010), nhưng Nga chiếm vị trí số 1 về xuất khẩu mặt hàng này với 223,4 tỷ m3 năm 2010. Về trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được phát hiện thì Nga cũng giữ vị trí số 1 với 47.570 tỷ m3 tính đến đầu năm 2011. |
Rõ ràng, Liên bang Nga thành viên WTO là một nước Nga có nhiều cái mới, khác với nước Nga còn đứng ngoài tổ chức toàn cầu này. Chưa cần nêu ra ở đây những phép tính số học, mà chưa một ai bảo đảm được độ chính xác, về dòng vốn đầu tư sẽ đổ vào Nga, về khả năng tăng trưởng bao nhiêu phần trăm hay điểm phần trăm của kinh tế Nga trong 5 năm hay 10 năm tới, về giá hàng nhập khẩu vào Nga sẽ giảm xuống mức nào… Phải nói rằng, việc trở thành thành viên của WTO là một mệnh lệnh thời đại đòi hỏi kinh tế Nga phải cải cách, và đó đã là một nhân tố hết sức quan trọng. Kinh tế Nga sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng bền vững chỉ bằng cách xuất khẩu dầu khí, nguyên liệu thô như lâu nay mà phải bằng con đường nâng cao năng suất lao động, tăng cường khả năng cạnh tranh, theo con đường hiện đại hóa. Ông A. Kudrin, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nga, khẳng định rằng, vào WTO, “Nga bắt đầu chơi theo những luật chơi được thiết lập chung trên thế giới, mà điều đó đồng nghĩa với việc Nga phải có những định hướng rõ ràng cho toàn bộ chính sách kinh tế đối ngoại của mình”.
Hiển nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt trái. Vào WTO vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Nhiều khu vực kinh tế của Nga, như nông nghiệp chẳng hạn, sẽ có những khó khăn. Nhưng hội nhập quốc tế sâu rộng là một tất yếu, nước Nga sẽ phải thay đổi để phát triển bền vững hơn nữa, để ngày càng củng cố vị thế của mình.
Nguyễn Đăng Phát