Theo phóng viên TTXVN tại Nga, Liên bang Nga đã xác định một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng để phát triển giao thông vận tải và hậu cần là tăng gấp 10 lần lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu đến năm 2030.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Giao thông Vận tải LB Nga đang triển khai dự án lập các hành lang hậu cần không người lái, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để đảm bảo xe tự lái của tất cả các nhà sản xuất ôtô trên thế giới có thể di chuyển an toàn. Đoạn đường đầu tiên được thử nghiệm sẽ là xa lộ M-11 “Neva” nối Moskva với St. Petersburg, con đường đầu tiên trên thế giới đến năm 2024 sẽ vận chuyển bằng xe tải không người lái. Tiếp đó, các giải pháp đã được chứng minh này sẽ mở rộng ra Đường vành đai ô tô quanh Moskva (ShKAD), xa lộ M-12 đang xây dựng nối Moskva với Yekaterinburg và khoảng 20.000 km đường cao tốc liên bang. Được biết hơn 20 doanh nghiệp của Nga đã tham gia vào dự án này, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài duy nhất là "Volvo Vostok".
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Liên bang Nga Kirill Bogdanov gọi đây là dự án đột phá, tự động trên tất cả các phương tiện. Ông Bogdanov cho biết Nga đang xúc tiến chế tạo mọi hình thức vận tải không người lái, như tàu thủy tự động nối với cảng Kaliningrad, tàu hỏa Latochka tự động và ôtô tải tự động. Các phương tiện không người lái của nước khác cũng có thể hoạt động trên các hành lang này. Theo ông Bogdanov, dù hiện còn rất nhiều rào cản, song ông tin tưởng dự án khởi động trên M-11 sẽ bắt đầu năm 2022 và tối đa đến năm 2023 sẽ đưa vào hoạt động thử nghiệm xe tải không người lái đầu tiên.
Ông Evgeny Dietrikh, Tổng giám đốc Công ty cho thuê vận tải quốc gia, cho biết dự án này, khi trở thành hiện thực, sẽ rút ngắn 25% thời gian giao hàng, đồng thời giá cước vận tải giảm 15%. Ông Dietrikh còn bày tỏ tin tưởng dự án sẽ hoàn tất trước năm 2030.
Trong khi đó theo tính toán của Thứ trưởng Bogdanov, dự án trên cũng ứng dụng chứng từ điện tử. Và nếu tính số chứng từ thương mại ở Nga năm 2019, thời điểm trước đại dịch, là hơn 3 tỷ tờ giấy, với tờ có giá thành 100 ruble, thì việc ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn và chứng từ điện tử sẽ giúp tiết kiệm một năm tới 300 tỷ ruble. Ngoài ra, dựa vào kho dữ liệu lớn này, sẽ xác định được các điểm nghẽn trên tuyến để qua đó đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông.
Tại hội thảo, đại biểu tham dự cũng nêu ra các ý tưởng sử dụng xe tải điện và xe không người lái vận tải hành khách. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dự án xe tự lái này sẽ gây ra vấn đề trong xã hội như khiến các lái xe mất việc làm.