Trong một thông báo trên X, ông Mikhail Ulyanov - đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) - cho biết yêu cầu trên đã được Mosva đưa ra theo các quy tắc thủ tục của hội đồng IAEA - một cơ quan gồm 35 quốc gia.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã bị tấn công bằng máy bay không người lái nhiều lần trong ngày 7/4. Theo IAEA, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022, nhà máy này “trực tiếp trở thành mục tiêu của hành động quân sự” và “đây là sự cố nghiêm trọng, gây phương hại tới sự toàn vẹn của hệ thống buồng chứa các lò phản ứng hạt nhân”.
Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi cho biết các chuyên gia tại nhà máy Zaporizhzhia xác nhận “ít nhất 3 vụ tấn công trực tiếp nhằm vào hệ thống buồng chứa chính” xảy ra trong ngày 7/4. Hệ thống buồng chứa các lò phản ứng là kết cấu có chức năng ngăn chặn sự thoát các đồng vị phóng xạ ra môi trường trong quá trình vận hành lò phản ứng.
Ông Grossi nhấn mạnh: “Hành động tấn công liều lĩnh trên làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra một sự cố hạt nhân và cần phải chấm dứt ngay lập tức”. Ông kêu gọi "tránh mọi hành động vi phạm các nguyên tắc cơ bản về bảo vệ các cơ sở hạt nhân”.
Theo xác nhận của IAEA, các cuộc tấn công đã gây hư hại 1 trong 6 tổ máy phát điện tại nhà máy Zaporizhzhia, nhưng không gây ảnh hưởng tới an toàn hạt nhân tại đây.
Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đặt tại Ukraine, với tổng công suất 6 gigawatt. Từ cuối tháng 2/2022, nhà máy này nằm dưới sự kiểm soát của Nga.