Phát biểu trong một chương trình truyền hình, bà Zakharova nêu rõ việc các phóng viên Mỹ có nên xin lỗi Tổng thống Donald Trump hay không là vấn đề của họ. Tuy nhiên, những nhóm phóng viên trên mặt trận thông tin chống Nga ở Mỹ, sẽ cần phải xin lỗi độc giả Mỹ, độc giả Nga và cả đất nước Nga.
Theo người phát ngôn, Moskva sẽ phân tích những thông tin tuyên truyền và các hình ảnh truyền hình chống Nga mà truyền thông Mỹ cố gắng thuyết phục khán giả Mỹ tin vào mối quan hệ không tồn tại của ông Trump với Nga. Phía Nga sẽ chuyển những nội dung này cho các tổ chức quốc tế để phân tích thêm.
Trước đó, ngày 24/3, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã công bố kết luận cơ bản về cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, trong đó khẳng định cuộc điều tra không phát hiện bằng chứng cho thấy nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Trump có sự thông đồng với Nga. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Barr, Công tố viên Mueller cũng không đưa ra kết luận về việc liệu có bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump có cản trở việc thực thi pháp luật hay không.
Bức thư được Bộ trưởng Tư pháp Mỹ công bố đã đánh dấu sự kết thúc cuộc điều tra kéo dài suốt 22 tháng của Công tố viên đặc biệt Muller - cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), về những cáo buộc rằng nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ đã phối hợp và thông đồng với giới chức Nga để làm thay đổi cuộc bầu cử năm 2016 giúp ông Donald Trump thắng cử.
Nhà Trắng khẳng định kết luận của Bộ Tư pháp Mỹ sau khi đánh giá báo cáo của ông Mueller "là sự giải tội hoàn toàn cho Tổng thống Mỹ". Trước khi đáp máy bay trở về Washington từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Tổng thống Donald Trump cũng đã chỉ trích cuộc điều tra của Công tố viên Mueller, cho rằng "sự sỉ nhục bất hợp pháp" nhằm vào ông đã thất bại.
Trong khi đó, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 25/3 tái khẳng định việc Nga không can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời tuyên bố tuyên bố Nga từ lâu vẫn chờ đợi Mỹ có bước đi đầu tiên nhằm khôi phục quan hệ song phương.