Theo đài RT (Nga), trong báo cáo triển vọng thị trường dầu ban hành hôm 26/10, WB đã nêu bật những rủi ro liên quan đến đề xuất áp trần giá dầu Nga. Ngân hàng này cho biết rủi ro của việc áp giá trần sẽ bị chi phối bởi các vấn đề nguồn cung, bao gồm mức độ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của Nga bởi biện pháp giao dịch mới.
“Đề xuất áp trần giá dầu của G7 có thể ảnh hưởng đến dòng chảy dầu từ Nga. Tuy nhiên, đây là cơ chế chưa từng được thử nghiệm và cần có sự tham gia của các thị trường lớn mới nổi, cùng các nền kinh tế đang phát triển, để đạt được mục tiêu này”, báo cáo cho biết.
WB cũng nói thêm rằng dù biện pháp áp giá trần có thể khiến quá trình xuất khẩu của Nga bị gián đoán đáng kể trong ngắn hạn, khi các tuyến đường thương mại bị đình trệ, nhưng những nước tham gia thị trường vẫn có thể tìm cách lách lệnh trừng phạt. Đây là điều đã từng xảy ra với các đợt trừng phạt khác.
Vào tháng trước, nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới – gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Anh và Nhật Bản - đã đồng ý thực thi áp trần giá dầu của Nga nhằm hạn chế doanh thu xuất khẩu năng lượng của quốc gia này. Song mức giới hạn giá vẫn chưa được quyết định.
Theo kế hoạch, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và vận tải biển sẽ không được phép cung cấp dịch vụ cho các công ty Nga bán dầu với giá cao hơn mức qui định. Ngày 5/12 cũng là thời hạn EU cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu thôcủa Nga bằngđường biển.
Về phần mình, Moskva đã khẳng định sẽ ngừng bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tham gia cơ chế áp giá trần.