Theo đài RT, phát biểu với tờ Rheinische Post ngày 20/8, ông nói: “Lạm phát ở mức cao tới 10% có thể xảy ra trong những tháng mùa thu”. Ông Nagel cho rằng đợt tăng giá năng lượng mới nhất do nguồn cung khí đốt giảm từ Nga có khả năng đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn nữa.
Lần gần đây nhất mà Đức xảy ra lạm phát ở mức hai con số là hơn 70 năm trước. Khi đó, lạm phát ở Đức lên tới 11% vào năm 1951.
Ông Nagel cảnh báo rằng tình hình nền kinh tế Đức có thể sẽ tiếp tục căng thẳng trong năm tới. Hơn nữa, vấn đề lạm phát sẽ không biến mất vào năm 2023 vì tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và căng thẳng địa chính trị có thể sẽ tiếp tục.
Lạm phát có khả năng vượt mức dự báo hồi tháng 6 của Ngân hàng Trung ương Đức 4,5 điểm và lên tới mức trung bình 6% vào năm sau.
Bình luận trên xuất hiện trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên và giá điện đã tăng hơn dự kiến. Lượng khí đốt từ Nga giảm trong đợt nắng nóng khắc nghiệt ở châu Âu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Đức.
Ông Nagel dự báo: “Khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc, suy thoái có thể xảy ra vào mùa đông tới”.
Theo Financial Times, giá sản xuất của các nhà sản xuất công nghiệp Đức đã tăng 37,2% trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức nói đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Dự báo của ông Nagel được đưa ra khi Đức đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn. Nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đang giảm dần do các vấn đề kỹ thuật phát sinh từ các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine. Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết ngày 19/8 rằng họ sẽ ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 để thực hiện các công việc bảo trì trong ba ngày từ ngày 31/8 đến ngày 2/9.
Nguồn cung cấp khí đốt cho EU thông qua Nord Stream 1 đã giảm xuống 20% so với mức tối đa vào tháng trước. Theo Gazprom, 5 tuabin cần phải hoạt động để bơm khí hết công suất và hầu hết các tuabin lại đang cần bảo trì. Một trong các tuabin đang mắc kẹt ở Đức do lệnh trừng phạt.
Thông báo của Gazprom đã khiến khí đốt tăng giá lần nữa ở châu Âu khi giá tăng 7% lên trên 2.600 USD/1.000 mét khối.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết nước này có thể triển khai thêm một gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD để chống lạm phát mà không ảnh hưởng đến chính sách hạn chế thâm hụt ngân sách. Theo ông Lindner, gói cứu trợ sẽ bao gồm các biện pháp dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cũng như viện trợ kinh tế có trọng điểm cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng.
Tuần trước, Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết triển khai nhiều biện pháp hơn để giúp bù đắp chi phí lương thực và năng lượng tăng cao mà không ảnh hưởng đến mục tiêu hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 0,35% GDP.
Lạm phát ở Đức đã lên tới 7,5% vào tháng 7, trong bối cảnh giá năng lượng dự báo sẽ tiếp tục tăng khi đến mùa đông.
Ngoài ra, ngày 18/8, Thủ tướng Scholz ra thông báo nêu rõ Chính phủ Đức có kế hoạch giảm thuế VAT đối với khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian giới hạn từ mức 19% hiện nay xuống còn 7%. Kế hoạch này sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng đối với người tiêu dùng do phải trả thêm phụ khí khí đốt từ tháng 10 tới.
Quyết định giảm thuế VAT đối với khí đốt được đưa ra trong bối cảnh Đức sẽ phải thu phụ phí khí đốt từ tháng 10 tới với mục đích để người tiêu dùng chia sẻ gánh nặng đối với các công ty nhập khẩu khí đốt trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Theo kế hoạch này, người tiêu dùng - dù là khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp - trước mắt phải trả thêm phần phụ phí 2,4 cent/kWh cùng khoản thuế VAT cho phần phụ phí này.
Khoảng 50% số hộ gia đình tại Đức sưởi ấm bằng khí đốt. Tính trung bình, mỗi hộ tiêu thụ khoảng 5.000 kWh/năm sẽ phải trả phụ phí trước thuế vào khoảng 121 euro, trong khi một gia đình tiêu thụ khoảng 20.000 kWh/năm sẽ phải trả phụ phí trước thuế khoảng 484 euro/năm.