Đây là lần hạ lãi suất đầu tiên của Israel trong gần 4 năm qua trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu và lạm phát giảm do cuộc xung đột với Phong trào Hamas tại Dải Gaza.
Thông báo của Ngân hàng trung ương Israel có đoạn: "Chiến tranh dẫn đến những hậu quả lớn về kinh tế, cả trong các hoạt động thực tế và trên các thị trường tài chính. Vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng về cường độ và thời gian chiến tranh, điều này tác động đến các hoạt động kinh tế".
Ngân hàng trung ương Israel đánh giá các chỉ số kinh tế và tình trạng tuyển dụng cho thấy kinh tế đang dần hồi phục sau khi suy giảm nghiêm trọng cùng với việc xung đột bùng phát ngày 7/10. Tỷ lệ lạm phát giảm từ 3,7% trong tháng 11 xuống còn 3,3% trong tháng 10 nhưng vẫn cao hơn mục tiêu đề ra trong năm là 1-3%. Dự báo, kinh tế Israel tiếp tục giảm sút trong quý IV/2023 và đạt tốc độ tăng trưởng 2% trong các năm 2023 và 2024, ở mức 5% trong năm 2025.
Cùng ngày 1/1, báo chí địa phương đưa tin chính phủ Israel đang chuẩn bị phê duyệt đề xuất cấp bổ sung giấy phép tăng số lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng lên 70.000 người, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do chiến tranh.
Trang tin Calcalist dẫn lời ông Yehuda Morgenstern, Thứ trưởng điều hành Bộ Xây dựng và Nhà ở Israel, cho biết đề xuất bổ sung hạn ngạch lao động sẽ được chính phủ thông qua trong vài ngày tới. Trong đó, có khoảng 20.000 lao động sẽ được cung cấp trực tiếp, không cần thông qua các hiệp định hợp tác lao động giữa các chính phủ. Trong số các quốc gia đưa người sang Israel đợt này chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanca và Moldova.
Sau khi nổ ra chiến sự tại Dải Gaza, Israel đã dừng tiếp nhận khoảng 80.000 lao động người Palestine đang làm việc trong các công trường xây dựng, khiến nhiều công trình bị chậm tiến độ. Tháng 11/2023, chính phủ Israel đã nâng hạn ngạch giấy phép lao động nước ngoài từ 30.000 lên 50.000 giấy phép cho lĩnh vực xây dựng, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.