Đây là kết quả một cuộc điều tra chung do một số hãng truyền thông ở châu Âu thực hiện và công bố ngày 18/10.
Theo kết quả cuộc điều tra nói trên, nạn nhân trong vụ lừa đảo này là 11 nước châu Âu, trong đó có Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan... Ít nhất 55,2 tỷ euro đã bị "đánh cắp" trong ngân khố những nước này. Con số tổn thất vượt xa so với ước tính của Bộ Tài chính Đức, chỉ khoảng từ 5,3 tỷ euro đến 30 tỷ euro. Đức được xác định là nước chịu tổn thất nặng nề nhất (31,8 tỷ euro), tiếp sau là Pháp (17 tỷ euro), Italy (4,5 tỷ euro),...
Vụ lừa đảo thuế này lần đầu tiên được phanh phui tại Đức vào năm 2012. Sau đó, cơ quan chức năng Đức đã mở 6 cuộc điều tra và một phiên xét xử đối với luật sư nổi danh Hanno Berger cùng một số nhân viên giao dịch chứng khoán. Luật sư Berger được xác định đã sử dụng phương thức có tên gọi "cum-ex" - một từ Latinh có nghĩa là "có-không có", nói về tình trạng một cổ phiếu trước khi và sau khi chia cổ tức. Với phương thức này, chủ sở hữu cổ phiếu được phép nhiều lần yêu cầu bồi hoàn thuế sau khi mỗi lần chia cổ tức từ những cổ phiếu được mua đi, bán lại. Chính điều này đã khiến cơ quan chức năng thuế không thể xác định chủ sở hữu đích thực của số cổ phiếu đó. Do vậy, đây trở thành "kẽ hở" giúp tội phạm kiếm tiền.
Cuộc điều tra do trang thông tin điện tử báo chí Correctiv phối hợp với một số hãng truyền thông ARD của Đức và Le Monde của Pháp tiến hành.