Ngành công nghiệp hàng giả phát triển trong đại dịch COVID-19-Bài 2

Theo ông Paul Maier, Giám đốc Cơ quan quan sát châu Âu về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (EUIPO), những người làm hàng giả thích ứng cực kỳ nhanh chóng với thị trường.

"NGƯỜI LÀM HÀNG GIẢ THÍCH ỨNG CỰC NHANH VỚI THỊ TRƯỜNG" 

Chú thích ảnh
Hàng nhái được bày bán công khai tại một chợ trời ở thủ đô Brussels. Ảnh : Hương Giang

Ngay từ lúc thế giới cần khẩu trang, họ ngay lập tức sản xuất khẩu trang. Do đó, Văn phòng chống gian lận châu Âu (OLAF) tập trung nhiều vào các sản phẩm sức khỏe, với sự phối hợp của hải quan và cảnh sát quốc gia. Đây cũng là lý do tại sao có sự gia tăng các đợt thu giữ hàng giả ở khu vực này.

Ông Paul Maier cho biết nghiên cứu mà EUIPO thực hiện về thuốc giả vào tháng 3/2020 là một phần của dữ liệu đã góp phần quan trọng vào phản ứng này của châu Âu. Việc theo dõi của Darknet (tập hợp con của các trang web bí mật tồn tại trên một mạng được mã hóa) cũng đã chỉ ra rằng nguồn cung đối với các loại sản phẩm này đã tăng lên gấp bội. Từ đó, EUIPO không chờ đợi để có số liệu thống kê hàng năm mà phản ứng ngay lập tức.

Theo ông Paul Maier, nguồn hàng giả chủ yếu vẫn là từ Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong. Mặt khác, Ấn Độ là số 1 về thuốc giả. Đây là trung tâm sản xuất chính về dược phẩm hợp pháp cũng như các sản phẩm giả mạo. Mặt khác, với sự gia tăng mua sắm trên Internet, việc nhập khẩu hàng giả bằng các gói nhỏ đã tăng lên.

Các đối tượng làm hàng giả ngày càng ranh mãnh hơn… Rất hiếm khi cơ quan chức năng tìm thấy một thùng chứa đầy hàng giả. Nói chung, có nhiều lớp sản phẩm hợp pháp và đằng sau chúng là các sản phẩm bất hợp pháp. Số liệu mới nhất về nhập khẩu hàng giả vào EU cho thấy con số này chiếm 5,8% tổng lượng hàng nhập khẩu giá trị khoảng 120 tỷ euro. 

Chú thích ảnh
Ông Paul Maier, Giám đốc Cơ quan quan sát châu Âu về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (EUIPO). Ảnh : Anrajean

Liên quan đến vận chuyển hàng giả, vận tải hàng hải vẫn là lựa chọn nhiều nhất vì chi phí thấp hơn vận tải hàng không. Tuy nhiên, hiện nay, phương thức vận chuyển đang thay đổi và cơ quan chức năng châu Âu vẫn đang theo dõi sát sao. "Hàng giả đột biến một cách phi thường. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang sử dụng Remdesivir để điều trị COVID-19 thì ngay ngày hôm sau, đã có một nguồn cung cấp sản phẩm giả mạo", ông Paul Maier nhấn manh.

Theo quy định lập pháp, các thương hiệu phải trả tiền cho việc lưu trữ và tiêu hủy các sản phẩm giả bị thu giữ. Ngành công nghiệp đang phàn nàn về điều này. Do đó, một số thương hiệu sẽ yêu cầu không tiêu hủy chúng và cho phép lưu kho.

Đối với Coco Chanel, bị sao chép chính là thể hiện sự nổi tiếng. "Nhưng tôi nghĩ ngành công nghiệp không còn phản ứng như vậy nữa. Các nhãn hàng sang trọng chú ý đến hình ảnh thương hiệu của mình và các ngành công nghiệp cũng chú ý đến rủi ro sức khỏe", ông Paul Maier giải thích.

Tuy nhiên, theo ông Paul Maier, có những nhãn hàng đề nghị hải quan không tiêu hủy hàng tồn kho dưới định lượng nhất định. Họ đặt ra một ngưỡng. Thế nhưng, cách này không phải là một biện pháp tốt. "Bởi vì nếu bạn có các ngưỡng mà nhiều người biết, chắc chắn những kẻ làm giả sẽ thích nghi với những ngưỡng này, trừ khi chúng thực sự cực kỳ thấp. Như vậy, vô hình chung, bạn tạo điều kiện cho những kẻ làm giả", ông Paul Maier kết luận. 

Ngoài ra, ông Paul Maier cũng cảnh báo mua các sản phẩm trên Internet là nguy hiểm, đặc biệt đối với các loại thuốc hoặc các sản phẩm thực phẩm chức năng. Đối với khẩu trang cũng vậy. Việc đặt hàng chỉ nên được thực hiện trên các trang web dược được công nhận. Nếu ưu đãi quá tốt thì cũng đáng ngờ. Thậm chí có những trang web giả mạo, bắt chước một số website dược phẩm trực tuyến…

Người mua rủi ro gấp đôi 

Chú thích ảnh
Hàng giả thu giữ tại sân bay Liège. Ảnh : Anrajean

Mua một sản phẩm giả mạo trên một trang web hoặc trong một cửa hàng thực tế không phải là không có rủi ro cho người mua. Do đó, nhà chức trách Bỉ có thể phạt tiền từ 125 đến 500.000 euro đối với người vi phạm. Trên thực tế, chủ yếu là những người mua hoặc người bán lớn ở Bỉ mới bị truy tố. Cá nhân thì không phải lo lắng, ngoại trừ nếu anh ta tái phát.

Sở Kinh tế liên bang Bỉ luôn nhắc nhở: "Mua hàng giả có thể khiến bạn mất tiền, gặp rắc rối nghiêm trọng hoặc tệ hơn là gây hại cho sức khỏe của bạn". Hàng giả được mua trên Internet có khả năng bị hải quan Bỉ chặn lại và tiêu hủy ngay khi chúng vào lãnh thổ quốc gia. "Trong trường hợp này, bạn sẽ không nhận được đơn đặt hàng của mình, mặc dù bạn đã trả tiền cho nó", Sở Kinh tế liên bang nhấn mạnh. Trên thực tế, nó thậm chí còn bị phạt gấp đôi đối với người mua. Nếu hàng hóa bị chặn lại và tiêu hủy, chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ gửi cho khách hàng hóa đơn bao gồm chi phí tiêu hủy. 

Hơn nữa, những hàng hóa này cũng có thể gây rủi ro cho sức khỏe vì chúng thường không tuân thủ các tiêu chuẩn châu Âu.

Trong khi một số người cố tình mua hàng giả, những người khác bị đánh lừa bởi các kỹ thuật ngày càng được mài giũa tinh vi từ người bán. Do đó, cần phải liên tục kiểm tra danh tính của người bán, mức độ nghiêm túc của trang web và tham khảo ý kiến đánh giá của những người tiêu dùng khác.

Những manh mối đầu tiên của một mặt hàng giả thường là giá của nó. "Khi bạn mua một đôi giày với 10% giá chính thức của nó, bạn có thể đặt câu hỏi về tính xác thực của sản phẩm”, Aurélien Letawe, phụ trách Hải quan tại sân bay Liège nhắc lại. “Nhưng cũng có những hàng giả được bán với giá gần như giá gốc trên các trang web được giới thiệu là của Bỉ. Vì vậy, vẫn có những người bị lừa".

Dược phẩm: Làm giả dễ dàng và có lợi?

Chú thích ảnh
Hàng giả thu giữ tại sân bay Liège. Ảnh : Anrajean

Điều gì có thể đơn giản hơn việc bán bột hoặc viên nang không hiệu quả dưới tên một loại thuốc? Mặc dù số liệu về các vụ hải quan tịch thu vẫn chưa được tiết lộ nhiều, nhưng những người tham gia vào cuộc chiến chống hàng giả cho biết xu hướng này có trên thực tế. Với cuộc khủng hoảng sức khỏe, "thị trường" đã xuất hiện. Và ngoài các phương pháp điều trị y tế huyền ảo, có sự bùng nổ việc mua khẩu trang giả hoặc kém chất lượng, khi giá cả tăng vọt vào thời điểm bắt đầu khủng hoảng.

Ông Gilles Jourquin, Giám đốc của Newpharma, công ty hàng đầu của Bỉ về hiệu thuốc trực tuyến, khẳng định không có rủi ro nào trên nền tảng này của công ty. "Newpharma được Cơ quan dược phẩm châu Âu chứng nhận (EMA) và chúng tôi làm việc trực tiếp với các hãng dược phẩm và nhà phân phối bán buôn. Việc quản lý hàng giả được thực hiện trên quy mô châu Âu, ngay từ khi bắt đầu chuỗi. Chúng tôi không phải đối mặt với hàng giả", ông Gilles Jourquin khẳng định.

Theo ông, việc mua hàng trên các nền tảng đã được xác minh là an toàn, nhưng bên ngoài khu vực châu Âu, có sự gia tăng các trang web được tạo ra trong đại dịch, do nhu cầu ngày càng tăng từ người tiêu dùng, về dược phẩm, thực phẩm chức năng và những loại khác. "Chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với các trang web đồng âm, thường được tổ chức ở châu Á, châu Phi hoặc Trung Đông", ông Gilles Jourquin nhấn mạnh.

Những người tạo ra các trang web này, với hình thức đôi khi rất giống nhau, không nhất thiết phải nhắm đến thị trường Bỉ mà bẫy những người tìm kiếm trực tuyến. Ngoài ra, với những hạn chế khác nhau, thói quen mua sắm trực tuyến đã trở nên cố hữu trong nhiều người tiêu dùng, với phần trăm rủi ro tiềm ẩn nếu họ truy cập vào các trang web đáng ngờ.

Cuối cùng, liên quan đến vaccine, không có hàng giả ở châu Âu vì chúng được cung cấp miễn phí cho người dân và các cấp chính thức tuân theo một lộ trình được đánh dấu và cực kỳ an toàn. Việc tiếp xúc được thực hiện trực tiếp với các hãng sản xuất.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Bỉ)
Ngành công nghiệp hàng giả phát triển trong đại dịch COVID-19 - Bài 1
Ngành công nghiệp hàng giả phát triển trong đại dịch COVID-19 - Bài 1

Aurélien Letawe, trưởng nhóm Hải quan và Hàng hóa tại sân bay Liège (Bỉ), đang xử lý một chiếc thắt lưng Gucci. Chỉ có tên là Italy còn cách bắt chước rất thô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN