Tên lửa mới chỉ thu hút rất ít sự chú ý vào thời điểm đó. Nhưng bây giờ nó đang được chú ý sau khi Ukraine tuyên bố, các lực lượng của họ đã sử dụng tên lửa Neptune để tấn công và đánh chìm soái hạm của hạm đội Biển Đen Nga.
Trái với tuyên bố của Kiev, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định tuần dương hạm Moskva đã chìm xuống đáy Biển Đen sau một vụ hỏa hoạn ngẫu nhiên trên tàu, gây nổ kho đạn.
Ngày 14/4, Bộ trên thông báo tuần dương hạm Moskva, soái hạm của hạm đội Biển Đen, đã chìm khi đang trên đường được kéo về cảng sau vụ cháy nổ kho đạn trên tàu. “Trong quá trình được kéo về cảng, tuần dương hạm Moskva mất cân bằng do hư hại trên thân tàu sau vụ cháy nổ kho đạn. Con tàu đã chìm trong cơn bão biển”, đài Sputnik dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga.
Trước đó, Bộ này nói rằng tàu Moskva đã bị cháy do nổ kho đạn trên vùng biển cách thành phố Odessa của Ukraine 90 km. Thủy thủ tàu được sơ tán thành công và vụ cháy được kiểm soát vào cuối ngày 13/4.
Tuy nhiên, theo Thống đốc vùng Odessa (Ukraine) Maksym Marchenko, tuần dương hạm nặng 12.500 tấn của Nga đã trúng hai quả tên lửa hành trình chống hạm Neptune của Ukraine.
Tờ Washington Post cho rằng, “chiến công tên lửa Neptune” của Kiev đánh dấu một sự thúc đẩy lớn đối với Ukraine, không chỉ cho cuộc xung đột đang diễn ra mà còn cho ngành công nghiệp vũ khí nội địa, ngay cả khi nước này vẫn phụ thuộc lớn vào vũ khí do các đồng minh phương Tây viện trợ.
Ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết:
"Với người Ukraine, nếu họ có thể đánh chìm con tàu hoặc làm hư hỏng nó bằng tên lửa Neptune của mình, thì trước tiên đó là một điều đáng tự hào, và khả năng quân sự hữu ích ở chỗ họ sẽ có thể canh chừng hạm đội Nga ở vịnh".
Xem video những vụ phóng thử tên lửa Neptune có mang đầu đạn của Ukraine (Nguồn: Youtube)
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào 24/2, các vũ khí do nước ngoài sản xuất đã tràn vào Ukraine. Trong số đó có các vũ khí chống thiết giáp được sản xuất tại Mỹ, các vũ khí nhỏ được sản xuất ở châu Âu và thậm chí cả các hệ thống phòng không S-300 do chính Nga sản xuất.
Nhưng cần biết rằng bản thân Ukraine vốn là một nước xuất khẩu vũ khí đáng nể, với di sản chế tạo các loại tên lửa và rocket có từ thời Liên Xô.
Nga từng là thị trường xuất khẩu quan trọng của các loại vũ khí này: Từ năm 2016 đến năm 2020, cứ 5 vũ khí xuất khẩu của Ukraine thì có 1 vũ khí xuất khẩu sang nước láng giềng lớn hơn của Ukraine - theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Nhưng trong những năm gần đây, vũ khí của Ukraine cũng đã được phát triển để chống lại các lực lượng Nga.
Hôm 15/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã tấn công nhà máy vũ khí Vizar ở ngoại ô thủ đô Ukraine. Nhà sản xuất vũ khí nhà nước của Ukraine, Ukroboronprom, cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng nhà máy Vizar tham gia sản xuất cả tên lửa Neptune và tên lửa dẫn đường chính xác Alder.
Một số người Ukraine coi vụ đắm soái hạm Moskva của Nga là thời điểm quan trọng đối với ngành công nghiệp vũ khí trong nước.
“Lần đầu tiên, một tàu chiến bị tiêu diệt bởi một tên lửa chống hạm được sản xuất hoàn toàn tại Ukraine”, Daria Kaleniuk, Giám đốc điều hành Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng Ukraine, viết trên Twitter.
Kaleniuk cho rằng điều này cho thấy Ukraine có thể điều khiển, xử lý được các loại vũ khí công nghệ tiên tiến hơn do các nước NATO cung cấp.
Neptune được phát triển trước khi Nga sáp nhập Crimea, nhưng sự kiện xảy ra năm 2014 đã giúp thúc đẩy sản xuất loại tên lửa này. Bán đảo Crimea trước đó là nơi căn cứ hải quân chính của Ukraine và các hệ thống phòng thủ ven biển từ thời Liên Xô đã từng bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công dọc Biển Đen.
Bản thân tên lửa R-360 Neptune dựa trên tên lửa hành trình cũ của Liên Xô có tên Kh-35, được sản xuất tại thị trấn Kharkiv của Ukraine. Đơn vị phát triển Neptune, Cục Thiết kế Luch, được thành lập vào năm 1965 và có lịch sử lâu đời trong hoạt động thiết kế tên lửa của Liên Xô.
Theo các chuyên gia quân sự, nếu tên lửa Neptune đã được bắn vào tàu Moskva, vụ việc đánh dấu lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng trong thực tế. Nó cũng cho thấy loại tên lửa hành trình, có tầm bắn khoảng 320km, này có thể né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự như các hệ thống phòng thủ trên tàu Nga.
Tuần dương hạm Moskva được trang bị radar tầm xa và hệ thống phòng không S-300, được thiết kế để bảo vệ không chỉ cho chính nó mà còn cả phần còn lại của hạm đội Biển Đen - Nga. Các tài khoản từ các quan chức Ukraine cho rằng một máy bay không người lái đã được sử dụng để đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ của Nga trong cuộc tấn công nói trên.
Năm 2021, giới chức Ukraine cho biết 4 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc nhập khẩu các hệ thống tên lửa Neptune để sử dụng, trong đó Indonesia là một trong những nước có thể nhận được lô hàng đầu tiên.
Tuy vậy, lúc này lo lắng lớn nhất là Ukraine không có đủ vũ khí để sử dụng trọng nước. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái, Giám đốc Cục thiết kế Luch, Oleg Korostelov cho biết “do thiếu kinh phí”, công ty của ông sẽ chỉ có thể cung cấp tối đa 800 trong số khoảng 2.000 tên lửa mà quân đội Ukraine yêu cầu.