Cuộc đời của anh Li Chao đã thay đổi vĩnh viễn kể từ một đêm anh trở về nhà sau ngày làm việc vất vả và phát hiện chú chó cưng JoJo nằm chết trên sàn nhà.
Anh đã rất tuyệt vọng. Đối với anh, JoJo không khác gì con đẻ và bạn tri kỷ. Tình hình còn tồi tệ hơn khi Li không thể tìm thấy một nhà tang lễ đủ tiện nghi cho JoJo. Vì vậy, anh quyết định tự mở nhà tang lễ cho động vật ở Bắc Kinh. Giờ đây, Li đã trở thành một phần trong ngành dịch vụ thú cưng trị giá nhiều tỷ USD ở Trung Quốc.
Kênh CNN đưa tin hiện chưa có số liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc về số lượng chó, mèo hay các loại vật nuôi khác đang sống ở Bắc Kinh hoặc nơi khác. Tuy nhiên, theo Sách Trắng Ngành Thú cưng của triển lãm Pet Fair Asia và trang Doumin, số lượng chó, mèo ở Trung Quốc đã tăng trên 8% năm 2019, lên xấp xỉ 100 triệu con.
Điều này chủ yếu do dân Trung Quốc ngày càng giàu có và sẵn sàng chi tiền vào những thứ mang lại niềm vui cho họ. Tuy nhiên, xu hướng này cũng bộc lộ mặt trái. Gần 1/5 người nuôi thú cưng trả lời khảo sát của Pet Industry cho biết họ mua một con vật để làm chỗ dựa tinh thần – tức tăng khoảng 20% so với kết quả khảo sát năm ngoái.
Theo Chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ người mắc trầm cảm và lo âu đang tăng nhanh trên khắp quốc gia. Như trường hợp của Li Chao, anh nói đối với anh, JoJo không chỉ là một chú chó. Chú là chỗ dựa về tinh thần và tình cảm đối của Li khi sống xa gia đình. “Nhiều người sống ở Bắc Kinh nhưng không phải quê ở Bắc Kinh. Đa số họ đều là người trẻ tuổi đến đây để làm việc. Họ sống xa quê nhà, họ không có gia đình ở bên. Họ cần bạn đồng hành trong lúc làm việc chăm chỉ ở đây”, anh Li giãi bày.
Hiện tại, Pet Industry ước tính Trung Quốc có trên 73 triệu người nuôi thú cưng và chỉ riêng ngành chăm sóc chó, mèo đã đạt giá trị kinh ngạc 28 tỷ USD. Một lát cắt đáng kể nằm ở thủ đô. Bà Lily Tian, người sáng lập Pet Industry cho biết: “Trong ba năm qua, số lượng cửa hàng thú cưng mới ở Bắc Kinh đã tăng 60%. Có rất nhiều loại dịch vụ cho động vật, chẳng hạn như chăm sóc, cắt tỉa lông, khách sạn chó mèo, chụp ảnh động vật, tang lễ động vật…”.
Tại các khách sạn vật nuôi sang nhất Bắc Kinh, những vị khách bốn chân được ở nhà vườn, đi spa và uống nước tinh khiết. Các dịch vụ chụp ảnh, tạo kiểu lông cho vật nuôi cũng phát triển bùng nổ tạo.
Zhao Siyu, quản lý khách mèo Catsvilla tại Bắc Kinh chia sẻ bà không thể tin nổi số tiền mà người ta chi tiêu cho vật nuôi. “Nghề này ngày càng thăng hoa. Miễn là mức giá nằm trong tầm với, mọi người sẽ chẳng ngại chi thêm tiền cho mèo cưng".
Catsvilla được thành lập khi bà chủ của Zhao là Gina Guo không thể tìm thấy khách sạn thú cưng ưng ý cho đàn mèo. Cô tự mở khách sạn riêng và dần dần trở nên ăn nên làm ra. Cô thuê kiến trúc sư chuyên nghiệp thiết kế từng căn phòng, lập ra những khu vực để vui chơi, bể cá, nhà vệ sinh riêng cho từng vị khách.
Khi thú cưng qua đời, một số chủ nhân đau khổ thậm chí còn trả hơn 1.000 USD để tiễn biệt người bạn bốn chân. Bốn năm sau khi mở nhà tang lễ Joypets, Li Chao cho biết mỗi tuần đều tổ chức trung bình ba đám tang cho vật nuôi.
Anh cung cấp hai dịch vụ tang lễ riêng biệt – một theo kiểu Phật giáo Trung Quốc truyền thống và một cho người chủ nhân không theo đạo hay tôn giáo nào. Sau đó, Li giúp họ chọn lựa cách tiêu hủy xác vật nuôi với việc hỏa táng là chiếm số đông. Li chia sẻ không kiếm được nhiều tiền từ việc kinh doanh này mà anh làm vì muốn giúp đỡ những chủ nhân tuyệt vọng khác tìm ra cách từ biệt vật nuôi thật ý nghĩa.
Khủng hoảng tinh thần
Cô Guo, chủ sở hữu Catsvilla và anh Li, chủ nhà tang lễ Joypets là hai trong hàng ngàn người Trung Quốc đã cần đến động vật để hỗ trợ tinh thần. Từ lâu trước khi cô Guo mở khách sạn hạng sang cho mèo, cô gái trẻ từng bị trầm cảm nặng, phải uống thuốc mới có thể ngủ được. Chính những chú mèo đã kéo Guo thoát khỏi cơn tuyệt vọng. “Giờ đây, cảm xúc của cô ấy đã ổn định hơn”, cô Zhao nhận xét.
Trên toàn cầu, nhiều nghiên cứu chỉ ra động vật là một cách giảm căng thẳng và lo âu hữu hiệu cho con người. Chính phủ Trung Quốc cũng công nhận rằng vấn đề sức khỏe tâm thần đang gia tăng ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Trong bản báo cáo công bố hồi tháng, Ủy ban Y tế Bắc Kinh thông báo có hàng chục triệu người ở khắp Trung Quốc đang mắc chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Cùng lúc đó, nhận thức của người dân và sức khỏe tâm thần và rối loạn tâm thần còn thấp. Họ thiếu biện pháp phòng chống cũng như nơi để trợ giúp.