Phó Kinh tế trưởng IIF Elina Rybakova nhận định thặng dư hiện tại của Nga có thể sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể. Các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào lĩnh vực than đá khó có thể thay đổi được xu hướng này, do xuất khẩu than đá chỉ đóng vai trò nhỏ so với dầu mỏ và khí đốt. Như vậy, cơ chế trừng phạt hiện nay giúp Nga tái cơ cấu hoạt động tích lũy tài sản nước ngoài hơn là ngăn chặn.
Tạp chí Foreign Policy cũng dẫn đánh giá của các chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga “có thể có tác dụng lâu dài”, tuy nhiên, các nỗ lực này bị suy yếu nghiêm trọng khi một số quốc gia dù tham gia trừng phạt Nga vẫn tiếp tục mua năng lượng từ nước này.
Tạp chí này cũng dẫn lời cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Edward Fishman cho biết một số quốc gia châu Âu gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng mức hỗ trợ thấp hơn so với các khoản tiền thanh toán khí đốt và dầu mỏ của Nga. Theo ông Fishman, Nga “tiếp tục thu về ít nhất 1 tỷ USD mỗi ngày từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, và phần lớn doanh thu đó đến từ châu Âu”.