Ngày 11/4, thế giới ghi nhận trên 1.725.000 ca mắc COVID-19, 104.881 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 11/4 (giờ Việt Nam), dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng cộng 1.725.271 ca mắc bệnh và 104.881 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới phòng cấp cứu bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ tiếp tục là quốc gia có số bệnh nhân COVID-19 lớn nhất - 505.237 ca mắc bệnh và 18.850 ca tử vong. Mỹ cũng là nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận tới hơn 2.300 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ. Sau Mỹ, Italy đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong do COVID-19 với 18.849 ca. Đặc biệt, Tây Ban Nha ngày 11/4 ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong ngày kể từ ngày 23/3 - 510 ca. 

Ngày 11/4, nhiều nước trên thế giới tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới như Nga (thêm 1.667 ca), Hà Lan (1.316 ca), Iran (1.837 ca), Ecuador (2.196 ca), Anh (917 ca). Đức (359 ca),...

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 gia tăng, các nước tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhất là trong dịp lễ Phục sinh cuối tuần.

Tại Litva, cảnh sát đã lập hàng trăm trạm kiểm soát trên toàn quốc để thực thi lệnh cấm đi lại trong dịp nghỉ lễ Phục sinh nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Theo quy định của chính phủ, kể từ tối 10/4 đến ngày 13/4, quốc gia Baltic này đã áp đặt lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh, thành phố và thị trấn nhằm hạn chế người dân đến thăm hỏi người thân trong dịp nghỉ lễ Phục sinh. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng đối với những người đi làm, trở về nhà hay tham dự đám tang. 

Chính phủ Italy đã gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại đến ngày 3/5 đồng thời công bố sắc lệnh mới về giai đoạn 2 ứng phó với dịch bệnh. Chính phủ Italy vẫn duy trì các biện pháp hạn chế đi lại của người dân, đồng thời kêu gọi người dân giữ khoảng cách an toàn trong dịp lễ.

Tương tự, Chính phủ Ireland đã gia hạn sắc lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà, hạn chế ra đường, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt đi mua thực phẩm hoặc thuốc thang, cho đến ngày 5/5. Trước đó, sắc lệnh này được ban hành ngày 27/3 và kéo dài đến ngày 12/4. Ireland sẽ lùi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tới cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám trong khi kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ được thay thế bằng các bài kiểm tra và đánh giá tại trường. Tất cả các trường học ở Ireland đều đóng cửa từ ngày 12/3 cho đến khi có thông báo mới để đề phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu công dân tại 31 thành phố (trong đó có cả ở thủ đô Ankara cùng thành phố Istanbul) ở nhà trong 48 tiếng, cho tới tối 13/4. 

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi người dân trên cả nước đảm bảo thực thi nghiêm túc biện pháp giãn cách xã hội, không tới các tụ điểm đông người như quán bar và nhà hàng để ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng.

Ở Thái Lan, phần lớn các tỉnh của nước này đã cấm bán đồ uống có cồn, hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ không tổ chức các lễ hội trong dịp Tết cổ truyền Songkran (lễ hội té nước mừng Năm mới).

Trước việc một số nước đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội trước những diễn biến về dịch chậm lại, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo các nước này nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống sự lây lan đại dịch COVID-19 vì việc này có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh.

Theo ông, quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cần được cân nhắc dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, cũng như khả năng ứng phó của lực lượng y tế. Ông cho rằng cần phải có các biện pháp đề phòng tại những nơi đông người như ở công sở, trường học hay các địa điểm quan trọng. Ngoài ra, người dân cũng cần được nâng cao nhận thức về dịch bệnh trong thời điểm trước khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Minh Châu (TTXVN)
Mỹ bỏ lỡ thời cơ chống dịch COVID-19 vì không học kinh nghiệm từ các nước
Mỹ bỏ lỡ thời cơ chống dịch COVID-19 vì không học kinh nghiệm từ các nước

Các chuyên gia y tế đều thừa nhận Mỹ đã không kịp thời áp dụng bài học từ những quốc gia khác để giảm thiểu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN