Chỉ trong vòng 6 giờ (từ 7 giờ đến 13 giờ), hơn 204,8 triệu cử tri có trách nhiệm bầu ra Tổng thống, Phó Tổng thống cùng hơn 20.000 đại diện lập pháp ở cấp quốc gia và khu vực.
Số lượng cử tri lớn, trải rộng trên hàng ngàn hòn đảo trong quần đảo lớn nhất thế giới. Để tổ chức được hơn 820.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc và hơn 3.000 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài, là một nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị ở quốc gia có tới 275 triệu dân, trong đó 85% dân số theo đạo Hồi.
Đêm trước ngày bầu cử, Thủ đô Jakarta có mưa to, kéo dài đến sáng, trong khi một số vùng ở Indonesia có gió lớn và bị ngập lụt. Vì vậy, ở một số nơi, việc bỏ phiếu bắt đầu muộn hoặc bị gián đoạn. Tuy nhiên, sau đó tiến trình bầu cử đã diễn ra suôn sẻ.
Theo Tổ chức Hệ thống bầu cử quốc tế, một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại Indonesia lần này có thể đạt 75%. Tỷ lệ này ở cuộc bầu cử năm 2019 được ghi nhận đạt hơn 80%.
Với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, Indonesia được cho là có mức độ tham gia dân chủ ở mức khiến ngay cả các nền dân chủ lâu đời hơn trên thế giới cũng phải ghen tị.
Từ trước khi diễn ra cuộc bầu cử, người dân Indonesia, nhất là giới trẻ đã nắm rõ về quy trình bầu cử cũng như về các ứng cử viên. Cử tri Indonesia có đầy đủ thông tin và sẵn sàng bày tỏ sự lựa chọn của mình.
Các nhà phân tích đánh giá đây là thành quả vô hình nhưng hữu hình sau nhiều năm dân chủ hóa đất nước. Tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo là những quyền được trân trọng sâu sắc của các cá nhân và xã hội.
Ông Anton S, một cử tri ở Jakarta cho biết: Với tư cách là một công dân, ông mong muốn Indonesia luôn an toàn, hòa bình và tiến bộ hơn trên nhiều lĩnh vực. Các thông tin bầu cử đều dễ dàng tiếp cận đối với cử tri, các nhân viên bầu cử cũng hỗ trợ, hướng dẫn tại điểm bỏ phiếu, công tác tổ chức rất tốt, thuận lợi cho cử tri đi bầu cử. Ông không ngần ngại chia sẻ chọn cặp ứng cử viên số 3, vì cho rằng họ có tầm nhìn, sứ mệnh và chương trình hành động phù hợp cho sự phát triển trong tương lai của Indonesia.
Ngày bầu cử của Indonesia đã diễn ra khá suôn sẻ, thuận lợi. Ngay sau khi tất cả các hòm phiếu được đóng vào lúc 13 giờ cùng ngày, việc kiểm phiếu nhanh đã được tiến hành.
Định nghĩa “kiểm phiếu nhanh” hay “đếm nhanh” được nêu trong Quy định của Ủy ban Bầu cử quốc gia (KPU) Số 1035 năm 2023 liên quan đến Hướng dẫn kỹ thuật để các Cơ quan Khảo sát đăng ký kiểm phiếu và tính toán nhanh kết quả Tổng tuyển cử năm 2024.
Theo quy định của KPU, đếm nhanh là hoạt động kiểm phiếu nhanh chóng bằng công nghệ thông tin hoặc dựa trên một phương pháp nhất định.
Thời điểm công bố kết quả bầu cử được quy định tại Quyết định của Tòa án Hiến pháp số 24/PUU-XVII/2019. Theo phán quyết, việc kiểm phiếu nhanh "phải được thực hiện trong 2 giờ sau khi kết thúc việc bỏ phiếu".
Việc kiểm đếm nhanh không phải do Ủy ban Bầu cử quốc gia thực hiện mà do các tổ chức khảo sát độc lập thực hiện. Kết quả này rất hữu ích và được coi là dữ liệu so sánh để phát hiện gian lận có thể xảy ra trong quá trình lập bảng thống kê.
Bà Dinna Prapto Raharja, Tiến sĩ cố vấn chính sách cấp cao về ngoại giao và kinh tế chính trị, người sáng lập một nhóm chuyên gia cố vấn độc lập với các Chính sách tổng hợp tiếp cận toàn cầu ở Jakarta, cho biết: Quá trình tổng hợp việc kiểm phiếu là thời điểm quan trọng. Đây là thời điểm nhạy cảm, quá trình này dễ bị gian lận vì Indonesia là một quần đảo quá lớn. Người dân, đại diện đảng phái và các tổ chức phi chính phủ đều đang theo dõi với hy vọng quá trình này diễn ra công bằng, minh bạch.
Kết quả bầu cử năm 2024 do KPU công bố sẽ là thông báo chính thức có giá trị pháp lý.
Theo các qui định, trang web chính thức của KPU, giai đoạn tổng hợp kết quả kiểm phiếu cho cuộc bầu cử năm 2024 dự kiến diễn ra từ 15/2 đến ngày 20/3/2024. Trong đó, kết quả số phiếu của các cặp ứng cử viên, số phiếu các đảng chính trị giành được cho các thành viên DPR và DPD sẽ được công bố không muộn hơn 35 ngày sau cuộc bỏ phiếu. KPU cấp tỉnh xác định kết quả của các thành viên DPD cấp tỉnh không muộn hơn 25 ngày sau khi bỏ phiếu.
KPU cấp quận, huyện xác định kết quả của các thành viên DPRD không muộn hơn 20 ngày sau ngày bỏ phiếu.
Theo một số cuộc khảo sát nhanh, không chính thức về kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại một số khu vực bầu cử trong ngày 14/2, cặp ứng cử viên số 2 (Prabowo Subianto-Gibran Rakabuming Raka) đang tạm dẫn đầu với tỷ lệ phiếu bầu đạt từ 57- 60%. Hai cặp liên danh còn lại Anies Baswedan-Muhaimin Iskandar và Ganjar Pranowo-Mahfud MD đạt tỷ lệ tương ứng là khoảng 25% và 17%.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng và chính thức của cuộc bầu cử năm 2024 sẽ được KPU công bố vào ngày 20/3 tới.