Ngày cá tháng Tư ở Mỹ

Mồng 1 tháng Tư, chỗ này gọi là ngày cá tháng Tư, nơi khác bảo là ngày nói dối đáng yêu, hấp dẫn cả những anh tinh nghịch, hài hước lẫn người đắt mấy cũng không bán một nụ cười. Ngày này ở khắp nơi, nhất là tại Âu, Mỹ, người ta được nói đùa, nói dối, thậm chí chơi khăm nhau thoải mái, không sợ bị giận, bị trách.

Có những chuyện chỉ là bông phèng, cười cho vui, song có cả những chuyện tuy đùa đấy, nói dối đấy, nhưng nó không hẳn chỉ có thế, giống như câu châm ngôn của người Nga, đại ý mỗi câu đùa, chuyện cười, đều có phần sự thật ở trong đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Mới bảnh mắt, mấy người Mỹ đã tung tin một số điệp viên CIA (Cục tình báo trung ương Mỹ) đột nhiên bị cấm khẩu. Không khó để hiểu đây là đòn trả thù của dân chúng Mỹ, luôn cho rằng họ đang phải sống khốn khó một phần do nước Mỹ đã dấn thân vào cuộc chiến tranh xâm lược Iraq cách đây vừa tròn 10 năm, để rồi hơn 700 tỷ USD bị mất trắng (đấy là chưa kể phần mất gián tiếp còn lớn hơn nhiều); 4400 người trong tổng số 150 nghìn lính Mỹ tham chiến bị chết trận, cùng hàng trăm nghìn binh sĩ khác bị thương, xã hội bị chia rẽ,v.v.


Nói trả thù vì chính các điệp viên CIA là tác giả của cuộc chiến ấy, khi bịa trắng bịa trơn rằng Iraq lúc đó có vũ khí giết người hàng loạt. Thế là quân Mỹ hùng hùng hổ hổ kéo tới, chẳng hề tìm được những thứ ấy, chỉ thỏa sức gieo rắc đau thương, chết chóc cho người bản xứ, và gieo cả nó trên đất Mỹ nữa. Giá như những kẻ gieo tai họa ấy không nói được từ trước đi, như mong muốn của người kháo tin nọ, chắc đã không xảy ra cuộc chiến mà bây giờ nước Mỹ vẫn còn đang khổ sở vì nó.

Một tin bịa đáng yêu khác, bảo rằng chả biết bề mặt Trái đất nứt nẻ thế nào, để bây giờ nước Mỹ đã nằm cách Triều Triên gấp ba, bốn lần khoảng cách cũ, khiến Bình Nhưỡng không thể dọa thiêu trụi Washington và New York như hôm qua, hôm xưa được nữa. Thế mới biết người Mỹ vẫn luôn bất an cho dù bóng ma 11 tháng Chín (11/9/2001 xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng tại New York và một vài địa phương khác ở Mỹ, làm 2996 người thiệt mạng) đã lùi xa, để rồi họ cứ phải chìm mãi trong giấc mơ, mong sao có được bình yên.

Hóa ra "ăn cơm với thịt bò" mà cứ lo ngay ngáy như thế quả là khổ thật, thà rằng cứ ăn cơm với…mắm cáy lại hóa hay. Tất nhiên, thời nay không ai chấp nhận kiểu dọa dẫm như trên, nhưng để người dân không phải lo ngay ngáy nữa, đã đến lúc Washington phải sớm thay đổi hình ảnh nước Mỹ như cam kết của Tổng thống Barack Obama khi tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên.

Có người Mỹ lại phởn chí khuyên bạn cứ ngồi đợi người của Sở lao động sắp đến tận nhà, chìa ra cả chục chỗ làm hấp dẫn, thỏa sức chọn. Vâng, đúng là khi thiếu cái gì, người ta hay mơ đến nó nhất, như cách đây vài ba chục năm, lứa chúng tôi rặt mơ…bữa no. Lừa bạn như vậy bởi tuần vừa rồi lại có thêm 16 nghìn người Mỹ "sức dài, vai rộng" xin trợ cấp thất nghiệp, và là tuần thứ ba tăng liên tiếp. Cho dù Bộ Lao động Mỹ đã đưa ra những tín hiệu tích cực cho thị trường lao động, nhưng tỷ lệ 7,7% người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp vẫn cứ hành hạ xã hội Mỹ, là điều nhức nhối đến từ một thực tế là nước Mỹ chưa thực sự phục hồi sau khủng hoảng, vì thế người Mỹ buộc phải có thêm giấc mơ, mang tên: Việc làm.

Giữa trưa, anh Michel mà người viết bài này có quen biết, nhận được tin nhắn”cá tháng Tư”, rằng nước Mỹ vừa hủy quyền sở hữu súng đạn, rằng anh phải nộp ngay hai khẩu súng riêng kẻo bị làm khó. Quá dễ để biết phải còn lâu lắm nữa tin kia mới thành sự thật, vì có sống ở Mỹ mới thấy hình như người dân ở đây thấy”oai” hơn khi có súng, chỉ như thế họ mới có hết "quyền", mới đủ "tự do và dân chủ"(?!).

Thế nên "văn hóa súng đạn" với hơn 200 năm tuổi ở đây sẽ không dễ gì gạt bỏ, cho dù hậu quả luôn hết sức đau lòng: Trung bình mỗi ngày có hơn 80 người thiệt mạng vì súng ống; tần suất các vụ thảm sát ngày một dày và đẫm máu hơn, chưa lâu là vụ
tấn công trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown thuộc bang Connecticut, khiến 20 trẻ em và 6 người lớn thiệt mạng.

Cũng không dễ "hô biến" được thứ văn hóa ấy, vì sau nó là tiền, là lợi ích nhóm của những ai chuyên làm ra những thứ giết người ấy. Và nữa, có một thực tế rất buồn cười ở nước Mỹ là sau mỗi vụ xả súng, dân chúng ào ào phê phán, mặt mũi đầy lo âu, mướn thêm người đưa con đến trường, thuê vệ sĩ kèm vợ đi chợ, nhưng chân lại rảo bước đến các hiệu bán súng, chả thế mà có tới 54% số người Mỹ được hỏi đã ủng hộ để Hiệp hội súng quốc gia Mỹ (NRA) tiếp tục tồn tại, trong khi chỉ có % phản đối.

Đúng hôm "cá tháng Tư", mấy người hàng xóm của chúng tôi kháo nhau giá thuê nhà ở New York đã giảm một nửa, nghĩa là "chỉ cần" 40 nghìn USD sẽ thuê được căn hộ loại xoàng trong một năm. Thôi thì hôm nay ai nói gì mặc, chứ đã sống ở đây, chả mấy ai không… run mỗi khi ra phố. Nơi khác, có trăm đôla, đã là "của đề dành" rồi, nhưng ở đây không đủ nộp phạt nếu để xe vừa đặt lốp vào đường ngược chiều, càng không đủ để trả công trông xe một buổi. Đắt đỏ đến mức nhiều cặp vợ chồng chỉ sống chung cho vui thôi, chứ không dám sinh con (83%), một phần vì sợ không kham nổi khi cái gì cũng đắt gấp đôi, gấp ba mức trung bình trên toàn nước Mỹ.

Tuy đắt đỏ thế, nhưng lạ kỳ thay, người ta vẫn ùn ùn kéo tới đây. Nghịch lý ấy chính quyền thành phố vẫn chưa "giải" được, khiến New York cứ đông lên, cứ đắt thêm, càng đông - càng đắt, và càng đắt lại càng đông. Cứ thế, cứ thế, chỉ khổ những anh "khiêm tốn" về tiền bạc, để rồi họ cứ phải… mơ, nhưng ác thay, rặt những giấc mơ kiểu… cá tháng Tư cả.



Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại New York)

Vui vẻ với Ngày Cá tháng Tư
Vui vẻ với Ngày Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư, ngày duy nhất trong năm bạn có thể giở trò lừa đảo với người thân, đồng nghiệp, bạn bè hay thậm chí là một người bất kỳ gặp ở trên đường mà cả bạn lẫn người mắc lừa đều cảm thấy vui vẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN