Ngày càng ít cơ sở để các ngân hàng trung ương dừng chu kỳ tăng lãi suất

Trái với những kịch bản trước đó về khả năng các ngân hàng trung ương sẽ dừng tăng lãi suất vào nửa cuối năm 2023, việc lạm phát toàn cầu tiếp tục ở mức cao, thị trường lao động eo hẹp và sức chống chịu tốt hơn kỳ vọng của kinh tế thế giới đã buộc các nhà hoạch định chính sách xem xét lại khả năng sớm cắt giảm lãi suất thời gian tới.

Chú thích ảnh
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh tại thủ đô London. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, ngày 19/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương Mỹ) đã phát đi tín hiệu ngân hàng này có thể quyết định tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, các chỉ số lạm phát tại Mỹ lại không mấy lạc quan. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tuy đã giảm xuống 4,9% từ mức cao kỷ lục 9% hồi tháng 6/2022, song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Trong đó, CPI lõi- không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng 5,5% trong tháng 4. Chủ tịch Fed chi nhánh bang St.Louis và Minneapolis nhiều tuần qua nhấn mạnh lạm phát lõi dai dẳng nên Fed vẫn cần duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.

Dữ liệu từ công cụ theo dõi FedWatch của Tập đoàn CME (Mỹ) cho thấy thị trường kỳ vọng 35% khả năng lãi suất mục tiêu trong năm nay sẽ kết thúc ở mức 5-5,25% trong khi khả năng cao lãi suất sẽ hạ xuống 3,75%-4% vào tháng 11/2024 tới.

Tương tự, ông Sanjay Raja, nhà kinh tế tại Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), nhận định giá cả hàng hóa ít có khả năng hạ nhiệt nhanh như dự kiến trước những cú sốc về nguồn cung, triển vọng kiềm chế lạm phát chưa sáng rõ, thị trường ít chiết khấu khuyến mại... Ông cho biết Deutsche Bank đã nâng dự báo lãi suất cuối cùng lên 5,25%, đồng thời cho rằng những tính toán về quản trị rủi ro sẽ đẩy lãi suất lên cao hơn và với khoảng độ tăng cao hơn so với dự định trước đó.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đã tăng lãi suất lên 3,25%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008, song lạm phát toàn phần Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 4 tiếp tục tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng kinh tế khu vực quý I/2023 chỉ đạt 0,1%, dưới mức kỳ vọng của thị trường.

Ông Joachim Nagel, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), tuần trước cho rằng ECB cần tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi kinh tế khu vực có khả năng rơi vào suy thoái. Cùng quan điểm, ông Andreas Dombret, cựu thành viên ban điều hành Bundesbank, thừa nhận lãi suất cao sẽ kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế, song nếu không tiếp tục can thiệp để kiềm chế lạm phát thì tác động còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, ECB chưa thể dừng tăng lãi suất khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, tại Anh đang có những diễn biến phức tạp hơn so với thị trường Mỹ và Eurozone. Trong tháng 4, CPI hằng năm đã giảm 1,4% xuống 8,7%, cao hơn nhiều so với dự báo 8,4% trước đó, trong khi lạm phát lõi tăng mạnh lên 6,8% từ mức 7,2% trong tháng 3. Con số này cao hơn đáng kể so với Eurozone và gần gấp đôi lạm phát ở Mỹ. Ngày 26/5, dữ liệu của Tập đoàn Refinitiv (Anh) cho thấy thị trường tin rằng khoảng 92% khả năng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 4,75% tại cuộc họp tháng 6 tới.

Mai Nguyễn (TTXVN)
Ngân hàng trung ương Canada vẫn thận trọng dù lạm phát hạ nhiệt
Ngân hàng trung ương Canada vẫn thận trọng dù lạm phát hạ nhiệt

Theo báo cáo kinh tế được công bố ngày 18/4, tỷ lệ lạm phát ở Canada đã giảm xuống 4,3% trong tháng 3/2023 khi giá năng lượng giảm giúp kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng mặc dù chi phí vay thế chấp vẫn còn cao. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN