Lễ kỷ niệm được đánh dấu bằng một cuộc diễn hành tại Quảng trường Cách mạng, nơi hàng nghìn người lao động và gia đình đã tập trung từ sáng sớm. Đây là sự kiện do Liên đoàn Người lao động Cuba (CTC) tổ chức với khẩu hiệu "Đoàn kết, Cam kết và Chiến thắng".
Bên cạnh đó, nhiều cuộc diễu hành khác cũng được tổ chức tại nhiều địa điểm trên toàn Cuba trong ngày 1/5. CTC cho biết có khoảng 1.500 đại diện từ 240 công đoàn và phong trào xã hội của 60 nước đã đến tham gia các sự kiện này.
* Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen ngày 1/5 đã kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động cùng hàng nghìn công nhân nhà máy thuộc Đặc khu Kinh tế Phnom Penh.
Nhân dịp này, Thủ tướng Hun Sen đã cùng ăn trưa và chụp ảnh với các công nhân. Thủ tướng Hun Sen không đọc diễn văn tại sự kiện, thay vào đó ông trao tặng mỗi công nhân của đặc khu 50.000 riel (khoảng 12,5 USD).
Người dân tham gia tuần hành yêu cầu hạn chế lao động nước ngoài tại Jakarta, Indonesia ngày 1/5. AFP/TTXVN . |
* Tại châu Âu, hàng nghìn người lao động đã xuống đường biểu tình đòi bảo vệ quyền lợi nhân Ngày Quốc tế lao động.
Ở Đức, hàng chục nghìn người lao động tham gia tuần hành trên toàn quốc để kêu gọi bảo vệ quyền của người lao động trước làn sóng toàn cầu hóa. Tại thủ đô Berlin, khoảng 4.000 người diễu hành qua nhiều tuyến phố. Liên minh Công đoàn Đức cho biết có tổng cộng khoảng 340.000 người tham gia vào gần 500 sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động trên toàn nước Đức.
Trong khi đó, tại hơn 70 thành phố tại Tây Ban Nha đã diễn ra các cuộc biểu tình để kêu gọi thúc đẩy bình đẳng giới, tăng lương và hưu trí trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang dần hồi phục. Trong đó, thủ đô Madrid diễn ra cuộc tuần hành thuộc hàng quy mô nhất, với hàng nghìn người tham gia.
Khoảng 12.000 cũng tập trung trước tòa thị chính ở thủ đô Vienna (Áo), mang theo biểu ngữ phản đối kế hoạch cắt giảm phúc lợi của Chính phủ mới.
* Tại châu Á cũng diễn ra nhiều hoạt động biểu tình. Khoảng 5.000 người dân Philippines diễu hành gần Phủ Tổng thống ở thủ đô Manila để kêu gọi chính phủ giải quyết các vấn đề bao gồm lương thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao.
Trong khi đó, tại Indonesia, khoảng 10.000 công nhân làm việc tại thủ đô Jakarta và một số vùng lân cận tham gia biểu tình gần khu vực Phủ Tổng thống để đề nghị tăng lương và hạn chế số lượng lao động nước ngoài tới Indonesia làm việc.
Ở Hàn Quốc, khoảng 10.000 người tham gia tuần hành tại trung tâm thủ đô Seoul để kêu gọi chính phủ tăng lương, hủy kế hoạch tái cơ cấu ngành đóng tàu và ngành ôtô, cũng như cải tổ các tập đoàn lớn.