Sayoc bị tình nghi gửi hàng loạt gói bưu kiện chứa thiết bị nổ tới các địa chỉ có liên quan đến đảng Dân chủ, chỉ trích Tổng thống Trump, trong đó có văn phòng của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington, tư gia của vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ở ngoại ô New York, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và nhà riêng của nam diễn viên gạo cội Robert De Niro, người thường chỉ trích Tổng thống đương nhiệm Trump, tỷ phú George Soros - người tài trợ cho đảng Dân chủ, cùng các trụ sở của đài CNN. Rất may không có bưu kiện nào phát nổ và hầu hết chưa đến tay người nhận.
Cơ quan chức năng đã cáo buộc 30 tội danh đối với Sayoc liên quan đến việc sử dụng email trái phép, sử dụng vũ khí giết người hàng loạt, vận chuyển thuốc nổ, đe dọa đến hệ thống thông tin liên lạc. Nếu bị kết tội, Sayoc có thể lĩnh án tù chung thân. Trước đó, tên này từng bị cáo buộc 5 tội danh có mức án tối đa 48 năm tù giam.
Phiên tòa xét xử Sayoc đã được ấn định vào ngày 15/7/2019. Các công tố viên dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong 3 tuần, với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực thuốc nổ và hóa học.
Cảnh sát đã tìm thấy dấu vân tay và mẫu ADN của Sayoc trên các bưu kiện chứa thuốc nổ và bắt giữ đối tượng hôm 26/10 tại Florida, 5 ngày sau gói bưu kiện đầu tiên được tìm thấy trong hòm thư của tỷ phú Soros ở thành phố New York. Theo hồ sơ cử tri của Florida, Sayoc là một người thuộc đảng Cộng hòa tại quận Miami-Dade và là một cử tri "tích cực".
Những hình ảnh đăng trên tài khoản mạng xã hội từ năm 2016 cũng cho thấy đối tượng là "fan cuồng" của Tổng thống Trump, thường xuyên tham dự các sự kiện ủng hộ tỷ phú này. Tại nơi ở, Sayoc dán đầy các tranh, ảnh tung hô Tổng thống Trump và phản đối đảng Dân chủ.
Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng chính trị tại Mỹ ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm 6/11 vừa qua, với việc đảng Dân chủ trở lại nắm Hạ viện lần đầu tiên sau 8 năm, trong khi đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện. Tổng thống Trump lên án "các hành vi khủng bố" của đối tượng gửi bom và cam kết sẽ "truy tố" nghi can đến cùng. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jess Sessions cho rằng hành động của đối tượng này có lẽ mang động cơ "đảng phái".