Nghị sĩ Anh muốn phạt tù những kẻ phá tượng đài trong biểu tình

Theo một kế hoạch đang được các nghị sĩ Anh xem xét, những người biểu tình phá hoại các tượng đài tưởng niệm chiến tranh có thể phải nhận mức phạt lên tới 10 năm tù.

Chú thích ảnh
Công nhân gia cố chân đế bảo vệ tượng tại thủ đô London. Ảnh: AP

Theo báo Anh The Sunday Telegraph, đề xuất này được đưa ra nhằm đơn giản hóa thủ tục truy tố những kẻ nhắm vào các tượng đài và di tích. Trước đó, vấn đề đã được Bộ trưởng Tư pháp Robert Buckland, Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel và Tổng Chưởng lý Suella Braverman đem ra thảo luận.

Bài báo viết các cuộc thảo luận được tiến hành sau khi 125 nghị sĩ đảng Bảo thủ nước này ủng hộ một dự luật mới có tên gọi Mạo phạm Tượng đài tưởng niệm Chiến tranh – quy định bất kỳ hành vi nào làm tổn hại về mặt vật chất đối với những tượng đài tưởng niệm người hy sinh trong chiến tranh đều bị coi là phi pháp. Dự luật này sẽ được trình tại Hạ viện Anh vào ngày 23/6. 

Chú thích ảnh
Tấm chắn bảo vệ tượng Cenotaph ở Whitehall, London, Ảnh: AP

Động thái của các nhà làm luật được triển khai cùng lúc giới chức Anh dựng khung sắc, bảo vệ bức tượng của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill tại Quảng trường đối diện Quốc hội và tượng đài ông Nelson Mandela, do lo sợ các bức tượng này có thể lại trở thành mục tiêu phá hoại của người biểu tình trong phong trào Black Lives Matter (Coi trọng Mạng sống của người da màu) vào cuối tuần.

Trong các cuộc biểu tình hóa bạo lực vào những tuần trước, tượng của cựu Thủ tướng Churchill đã bị bôi bẩn, còn tượng nhà buôn nô lệ Edward Colston sống ở thế kỷ 17 đặt tại Bristol đã bị người biểu tình kéo đổ rồi đẩy xuống sông. Người biểu tình còn lập hẳn một website liệt kê trên 60 bức tượng và đài tưởng niệm ở nước Anh mà bị cho là cần kéo đổ.

Chú thích ảnh
Cảnh sát bảo vệ tượng cựu Thủ tướng Winston Churchill sau khi bị vẽ bẩn. Ảnh: AP

Theo đài BBC, trong các sự kiện biểu tình diễn ra tại thủ đô London vào ngày 13/6, trên 100 người đã bị bắt giữ. Trong khi hàng nghìn người đến từ khắp mọi nơi trên nước Anh tuyên bố sẽ bảo vệ các bức tượng trước những nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc, sự kiện tại một số điểm đã biến thành bạo lực như Quảng trường Trafalgar hay nhà ga Waterloo. Giới chức địa phương phải ban bố lệnh giới nghiêm sau 17h. 

Cảnh sát Anh gọi tình trạng bạo lực là “không thể chấp nhận” và cho rằng những sĩ quan “làm việc không phải là để đối mặt với mức độ bạo lực và lạm dụng kiểu này”.

Video tượng Edward Colston được kéo lên từ sông và cất giữ ở một nơi an toàn (nguồn: Telegraph):

 

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Câu chuyện về các tượng đài trong làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc
Câu chuyện về các tượng đài trong làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc

Từng được đề cao là những con người tiên phong, giờ đây nhiều nhân vật lịch sử được dựng tượng tôn vinh góp phần tạo dựng thời hoàng kim của châu Âu đang trở thành mục tiêu của làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc đòi xóa bỏ những biểu tượng của chủ nghĩa thực dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN