Báo cáo này là một phần trong nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ Brexit “cứng”, chỉ việc nước Anh không chỉ chia tay với Liên minh châu Âu (EU), mà còn rời khỏi cả Thị trường chung châu Âu và Liên minh Thuế quan.
Báo cáo khẳng định việc nước Anh rời Thị trường chung châu Âu sẽ gây thiệt hại cho hầu hết mọi lĩnh vực của kinh tế Anh, từ chế tạo, năng lượng đến bán lẻ và tài chính.
Thủ tướng Anh Theresa May (phải) và người đồng cấp Ba Lan Beata Szydlo tại cuộc họp báo ở London (Anh) ngày 28/11. Ảnh: AP/TTXVN |
Các nghị sĩ cho rằng toàn bộ những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế đều có sự kết nối với EU và với Thị trường chung châu Âu, do vậy các lĩnh vực này đều sẽ bị thiệt hại nếu Chính phủ Anh hướng tới một thỏa thuận thương mại tự do, trong đó dành ưu tiên cho một số lĩnh vực.
Báo cáo trên được công bố vào thời điểm ngày càng có nhiều nghị sĩ và chính trị gia tham gia vận động phản đối Brexit "cứng" nhằm tránh kết cục nước Anh rời Thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6, các nghị sĩ thuộc ba chính đảng Bảo thủ, Công đảng và Dân chủ Tự do cùng xuất hiện tại một sự kiện của "Open Britain", nhóm vận động ở lại EU, nhằm kêu gọi việc Anh tiếp tục nằm trong Thị trường chung châu Âu.
Trong khi đó, 80 nghị sĩ Anh cũng đã trình thư lên Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk yêu cầu công dân Anh sống trong EU phải được bảo vệ quyền lợi sau khi Anh rời khỏi khối này. Về phía EU, ông Donald Tusk cho biết yêu cầu sẽ được đưa ra thảo luận vào Hội nghị thượng đỉnh EU trong tháng 12 này và khẳng định chống lại việc sử dụng vấn đề công dân Anh đang sống trong EU trong đàm phán Anh rời khỏi EU. Ông Tusk cũng nhấn mạnh sẽ không tiến hành đàm phán Brexit cho tới khi Anh chính thức "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính thức đưa Anh rời khỏi EU.
Theo kế hoạch, Anh sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình đàm phán Brexit với lãnh đạo EU vào cuối tháng 3/2017.