Tập đoàn hóa chất Monsanto bị kết tội hủy diệt môi trường. |
Sau khi Tòa án Quốc tế về Monsanto tại La Hay (Hà Lan) ra phán quyết kết án tập đoàn hóa chất Monsanto về tội hủy diệt môi trường, gây tác hại lâu dài tới hệ sinh thái và cuộc sống của người dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam, ngày 21/4, hai nghị sĩ đảng Xã hội, thành viên của Ủy ban Nông nghiệp châu Âu là Eric Andrieu và Marc Tarabella đã thông báo sẽ yêu cầu thành lập một ủy ban tiếp tục điều tra về tập đoàn hóa chất này.
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn báo La Libre của Bỉ số ra ngày 21/4 cho biết tập đoàn hóa chất nông nghiệp khổng lồ này, chuyên sản xuất các chất glyphosate - nguyên liệu trong thuốc diệt cỏ Roundup, đã bị các nghị sĩ châu Âu giám sát từ nhiều tuần qua, sau khi xuất hiện "Hồ sơ Monsanto". Trước đó, trung tuần tháng 3 vừa qua, cơ quan tư pháp Mỹ đã công bố hàng trăm trang thư nội bộ của Monsanto, cho thấy doanh nghiệp này đã biết về sự nguy hại của sản phẩm Roundup từ năm 1999. Các nghị sĩ đã gửi một bức thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude-Juncker yêu cầu không gia hạn việc cho phép sử dụng glyphosate trong Liên minh châu Âu (EU).
Hai nghị sĩ châu Âu mong muốn thành lập một ủy ban điều tra về Monsanto, theo đó buộc phải đưa vào "khuôn phép" các công ty đa quốc gia vô đạo đức, coi thường sức khỏe của người tiêu dùng và cộng đồng. Sau khi "Hồ sơ Monsanto" được công bố, người ta đã phát hiện ra nhiều sản phẩm của Monsanto đặc biệt nguy hại tới sức khỏe người dân. Các nghị sĩ châu Âu đã kêu gọi các hành động cụ thể và có biện pháp trừng phạt Monsanto.
Nghị sĩ Eric Andrieu nhấn mạnh châu Âu phải tỏ rõ quyền lực của mình, ngừng trải "thảm đỏ" cho những công ty lớn vô đạo đức này, đồng thời chỉ rõ EU mong muốn bảo vệ công dân của mình trước sự lấn lướt của các tập đoàn đa quốc gia. Theo hai nghị sĩ trên, việc thành lập một ủy ban điều tra như vậy sẽ giúp mở rộng phạm vi điều tra đối với các sản phẩm nguy hại khác cũng như đưa ra ánh sáng những "chiêu trò" các công ty này đang lợi dụng để đưa vào thị trường các loại thực phẩm độc hại, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của 500 triệu người dân châu Âu.
Ngoài ra, nghị sĩ Eric Andrieu cũng yêu cầu cơ quan về cạnh tranh của EC tích hợp nguyên tắc an toàn thực phẩm vào các tiêu chuẩn chất lượng trong khi xem xét thương vụ sáp nhập của tập đoàn hóa chất Đức Bayer với Monsanto. EC phải bảo vệ các công dân của mình trước vụ sáp nhập này, bởi ông cho rằng nếu vụ việc này tiềm ẩn nguy cơ trở thành một thảm họa an toàn thực phẩm đe dọa hàng trăm triệu người châu Âu.
Trước đó, trong phiên tòa công dân xét xử Monsanto tại La Hay, các thẩm phán của Tòa án Quốc tế Monsanto đánh giá rằng tập đoàn này đã tiến hành các hoạt động gây tác hại đến môi trường, ảnh hưởng đến các quyền của các dân tộc bản địa và các cộng đồng địa phương. Ngoài ra, hoạt động thương mại đối với giống biến đổi gien của Monsanto đã gây ảnh hưởng đến các quyền về lương thực và y tế vì đã ép buộc nông dân phải chấp nhận các phương thức canh tác không tôn trọng lối canh tác truyền thống. Hoạt động của Monsanto cũng làm phương hại các quyền tự do nghiên cứu khoa học, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin. Các thẩm phán xác nhận tập đoàn Monsanto đã hủy diệt môi trường và gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.