Chiến đấu cơ cùng lực lượng mặt đất của Israel đã tạo ra một vệt tàn phá khắp Nam Liban trong tháng qua. Hơn 1 triệu người đã sơ tán, khiến phần lớn miền Nam Liban trở nên hoang vắng.
Israel khẳng định động thái quân sự này nhằm làm suy yếu Hezbollah, đánh bật lực lượng này ra khỏi biên giới và chấm dứt hơn một năm Hezbollah tấn công miền Bắc Israel.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng Israel có thể đang nhắm đến việc tạo ra một vùng đệm không người ở, một chiến lược mà nước này đã triển khai dọc theo biên giới với Gaza.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) đã phân tích ảnh vệ tinh cùng dữ liệu do các chuyên gia lập bàn đồ thu thập được và nhận thấy phạm vi tàn phá nghiêm trọng tại 11 ngôi làng gần biên giới Liban-Israel. 11 ngôi làng này đều nằm trong phạm vi 6,5 km biên giới Liban-Israel và đã chịu thiệt hại nghiêm trọng trong tháng qua.
Ông Corey Scher thuộc Trung tâm Sau đại học Đại học New York và ông Jamon Van Der Hoek thuộc Đại học Oregon đều là chuyên gia đánh giá thiệt hại, nhận định rằng các ngôi làng ở gần biên giới hơn đã chịu thiệt hại nặng nề nhất, với khoảng 100 đến 500 công trình bị phá hủy hoặc hư hại ở mỗi ngôi làng.
Tại Ramyah, hầu như không còn một công trình nào còn sót lại trên đỉnh đồi trung tâm của ngôi làng. Ở những ngôi nhà khác, một số ngôi nhà bị phá hủy trong khi những công trình lân cận vẫn còn nguyên vẹn. Một vụ nổ có kiểm soát đã san phẳng phần lớn ngôi làng Odeissah ở Liban, nó mạnh đến mức khiến Israel phải đưa ra cảnh báo động đất.
Khi truyền thông đặt câu hỏi liệu có ý định tạo ra vùng đệm hay không, quân đội Israel hồi đáp rằng họ đang "tiến hành các cuộc đột kích cục bộ, có giới hạn, có mục tiêu dựa trên thông tin tình báo chính xác" chống lại các mục tiêu của Hezbollah. Họ cáo buộc Hezbollah cố tình giấu vũ khí vào nhà dân và các ngôi làng.
Quân đội Israel lập luận rằng các cuộc ném bom là cần thiết để phá hủy đường hầm và cơ sở hạ tầng của Hezbollah. Tuy nhiên, những cuộc không kích cũng gây hư hại, phá hủy nhiều căn nhà, khu dân cư và đôi khi là san phẳng cả ngôi làng, nơi người dân địa phương đã gắn bó sinh sống qua nhiều thế hệ.
Israel cho biết mục tiêu là đẩy lùi Hezbollah để công dân nước này có thể trở về nhà an toàn ở phía Bắc. Nhưng các quan chức Israel thừa nhận rằng họ không có kế hoạch cụ thể nào để đảm bảo Hezbollah tránh xa biên giới trong thời gian dài. Đó là trọng tâm chính trong nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn.
Nhà nghiên cứu Orna Mizrahi tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, cho biết mục tiêu trước mắt của Israel không phải là tạo ra một vùng đệm, nhưng điều đó có thể thay đổi. Bà phân tích: "Có lẽ chúng ta sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại đó cho đến khi có thỏa thuận hứa hẹn rằng Hezbollah sẽ không quay trở lại khu vực này”.
Dưới đây là video tổng hợp các hình ảnh vệ tinh ngày 24/10 cho thấy thiệt hại tại các ngôi làng ở miền Nam Liban (nguồn: Reuters):
Đáng chú ý, các cuộc không kích và tấn công của Israel tại khu vực biên giới của Liban cũng gây thiệt hại cho quân đội Liban và Lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại Liban (UNIFIL).
Quân đội Liban cho biết có 11 binh lính của họ đã thiệt mạng trong 8 cuộc không kích của Israel, tại vị trí của họ hoặc trong khi hỗ trợ sơ tán. UNIFIL phàn nàn rằng cơ sở hạ tầng của họ đã bị tổn hại ít nhất 30 lần kể từ cuối tháng 9, trong đó có 20 lần do hỏa lực hoặc động thái của quân đội Israel, với 7 lần rõ ràng là cố ý.
Israel đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc quân đội nước này nhắm tấn công quân đội Liban hoặc UNIFIL.
UNIFIL đã từ chối rời khỏi miền Nam Liban, bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. UNIFIL được thành lập năm 1978. Lực lượng này đảm nhận nhiệm vụ tuần tra biên giới phía Nam Liban giáp Israel. Vào tháng 8 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí gia hạn 1 năm nhiệm vụ của UNIFIL. UNIFIL hiện có 10.000 binh sĩ thuộc 50 quốc gia và khoảng 800 nhân viên dân sự.
Các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn dường như tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết 1701 của LHQ, nghị quyết đã chấm dứt cuộc chiến tranh Israel-Hezbollah năm 2006.
Nghị quyết 1701 nêu rõ rằng lực lượng Israel sẽ rút hoàn toàn khỏi Liban trong khi quân đội Liban và UNIFIL là lực lượng vũ trang duy nhất hiện diện trong khu vực cách biên giới khoảng 25 km. Nhưng nghị quyết này đã không được thực thi đầy đủ. Hezbollah chưa bao giờ rời khỏi khu vực biên giới và Liban cáo buộc Israel tiếp tục chiếm đóng các khu vực nhỏ trên đất nước này. Trong chuyến thăm gần đây tới Beirut, đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein cho biết cần có một thỏa thuận mới để thực thi Nghị quyết 1701.