Hai tháng sau khi mang thai vào năm ngoái, Ebere (17 tuổi) sống tại thành phố Enugu, miền Đông Nam Nigeria, đã cân nhắc việc phá thai. Nhưng các bác sĩ cho rằng khi đứa bé đã 8 tuần, việc phá thai có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm.
Quay về nhà nói với bố mẹ không phải là lựa chọn của Ebere, cô sợ rằng sẽ bị bố đánh đập và bị mọi người trong khu phố rè bỉu. Cha của đứa bé đã chối bỏ mọi trách nhiệm và đe dọa sẽ giết cô nếu Ebere cố gắng liên lạc với anh ta.
Một y tá - người đã nhận thấy cô gái trẻ đang gặp rắc rối khi ngồi trong phòng chờ của bệnh viện - đã tiếp cận với cô để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ebere chia sẻ câu chuyện của mình và được y tá giới thiệu Facebook của một người đàn ông. Cô y tá cho biết anh ta là một nhân viên xã hội đã giúp đỡ nhiều phụ nữ mang thai như Ebere và cho cô số điện thoại của anh ta.
“Khi tôi gọi điện và kể câu chuyện của mình, người đàn ông đã yêu cầu tôi đến gặp anh ta tại một nhà hàng nổi tiếng trong thị trấn. Khi chúng tôi gặp nhau, anh ấy đã ngỏ ý đưa tôi về nhà chăm sóc cho đến khi sinh con, nhưng với một điều kiện là tôi phải bán đứa bé cho anh ấy”, cô nói.
Không còn lựa chọn nào khác, Ebere đã chấp thuận lời đề nghị của người đàn ông này. Cô chuyển đến sống cùng anh ta và không để gia đình biết chuyện. Đối với Ebere, đây là cách tốt nhất để tránh khỏi rắc rối mà cô lo sợ sẽ phải đối mặt khi quay trở về nhà. Lúc đó, cô đã nghĩ rằng việc bán con cũng có thể kiếm được một khoản tiền.
“Tôi thậm chí còn không hỏi rằng anh ấy muốn làm gì với con tôi. Điều tôi muốn là bán đứa con của mình và lấy tiền”, Ebere nói.
Sau khi sinh một bé trai, người đàn ông đã bán đứa bé cho một cặp vợ chồng. Anh ta đưa cho người mẹ trẻ 140 bảng Anh (khoảng 4,5 triệu đồng). Ebere trở về với gia đình, nói dối bố mẹ rằng cô đã bị bắt cóc, những kẻ buôn người đã đưa cô đến một ngôi làng hẻo lánh và buộc cô phải làm nô lệ trước khi cô trốn thoát.
“Mọi người đều cảm thấy tiếc cho tôi. Bố mẹ tôi muốn báo cảnh sát nhưng tôi đã thuyết phục họ đừng làm vậy và nói rằng không muốn nhắc sự tổn thương này”, Ebere kể lại.
Cơ quan Quốc gia về Cấm buôn bán người Nigeria (NAPTIP) cho biết Ebere là một trong nhiều cô gái trẻ ở miền Đông Nam Nigeria bị lôi kéo vào một vụ béo bở trong đường dây buôn bán trẻ em tại nước này.
Theo NAPTIP, các cô gái trẻ tham gia vào đường dây buôn bán người được gọi là các “bà mẹ xã hội”. Phụ nữ trẻ nghèo khó rơi vào bước đường cùng, không có khả năng phá thai hoặc chăm sóc tiền sản là những đối tượng được nhắm đến.
Những kẻ buôn người đóng giả làm nhân viên xã hội, giúp đỡ những phụ nữ mang thai cần được hỗ trợ. Trên thực tế, NAPTIP cho biết họ là những kẻ môi giới buôn bán trẻ em cho các cặp vợ chồng hoặc cho những người trung gian khác. Những kẻ này thường tính phí 1.500 USD (hơn 35 triệu đồng) cho một bé gái và 2.000 USD (khoảng 47 triệu đồng) cho một bé trai.
“Nhiều cô gái trẻ mang thai ngoài ý muốn và muốn giấu gia đình nên đã gặp gỡ những kẻ buôn người và thực hiện theo kế hoạch của họ cho đến khi sinh con. Những đứa trẻ sau khi sinh sẽ được bán đi và những người mẹ chỉ nhận được khoảng 100 bảng Anh (hơn 3 triệu đồng)”, theo ông Comfort Agboko, Trưởng Văn phòng đại diện của NAPTIP miền Đông Nam Nigeria, cho biết.
Tình trạng buôn bán trẻ em không phải là những câu chuyện hiếm có tại Nigeria. Theo một ước tính, mỗi ngày, quốc gia này có ít nhất gần 10 trẻ em bị bán trên toàn quốc. Vào tháng 2, gần 20 trẻ em đã may mắn được lực lượng an ninh giải cứu khỏi những kẻ buôn người, hầu hết đều hoạt động ở miền Nam đất nước. Phần lớn nạn nhân bị buôn bán là con của những phụ nữ trẻ mang thai bị giam giữ cho đến khi sinh con. NAPTIP cho biết các vụ việc liên quan đến các “bà mẹ xã hội” đang gia tăng trong khu vực thời gian gần đây.
“Những người buôn bán trẻ em coi việc kinh doanh là một giao dịch bình thường. Đó là lý do tại sao họ hành động như việc mình đang buôn bán những hàng hóa khác. Trong một số trường hợp, đứa trẻ được giao dịch qua 5 người mua”, ông Agboko nói.
Các nhà chức trách đã phải đối phó với nạn buôn bán người do không đủ kinh phí và thiếu sự hợp tác giữa lực lượng cảnh sát và NAPTIP. Khi các vụ án được đưa ra tòa, hệ thống tư pháp ì ạch đã khiến các phiên tòa phải kéo dài thời gian, khiến các nạn nhân bị chối bỏ quyền lợi của mình trong nhiều năm.
“Chúng tôi rất thất vọng vì các quy trình của tòa án. Nhiều lần ra tòa, chúng tôi được thông báo rằng các thẩm phán đang phải giải quyết các kiến nghị bầu cử địa phương, hoặc đã đi làm các nhiệm vụ khác”, ông Agboko nói.
Trong khi thách thức về nạn buôn bán người vẫn còn tồn tại, những kẻ buôn người vẫn tiếp tục lợi dụng mọi kẽ hở để buôn bán trẻ em, bao gồm cả việc liên lạc với các bà mẹ tương lai thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.
“Hàng chục bà mẹ đơn thân ở miền Đông Nam Nigeria đã được hỗ trợ tài chính cho rằng họ đã liên lạc với những kẻ buôn bán trẻ em để bán con của mình. Trong hầu hết trường hợp, những thỏa thuận này được thực hiện không trót lọt vì những kẻ buôn người để lộ rất ít thông tin”, ông Abang Robert, Giám đốc Quan hệ công chúng của tổ chức phi chính phủ Sáng kiến hòa bình và phát triển Caprecon cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân buôn người và bà mẹ đơn thân.
Đối với những bà mẹ như Ebere, người đã bán con mình cho những kẻ buôn người, giờ đây không còn cách nào để quay lại. “Bố sẽ giết tôi nếu ông ấy biết tôi có thai với một người đàn ông mà chưa kết hôn. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán đứa bé đi”, Ebere nói.