Ròng rã 3 ngày dưới cái nắng chói chang của mùa Hè, cô Goldi Patel (25 tuổi) đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để tìm chỗ điều trị cho người chồng đang mắc COVID-19.
Bốn bệnh viện đã từ chối Patel – người vợ đang mang thai 7 tháng. Cuối cùng, cô cũng tìm được một bệnh viện tiếp nhận chồng mình. Tuy nhiên, điều kiện chăm sóc y tế tại trung tâm Sardar – một cơ sở y tế dã chiến ngoại ô thủ đô New Delhi – thiếu thốn đến mức chồng cô luôn đòi xin ra viện.
Xung quanh Sadanand Patel (30 tuổi), người bệnh đang chết dần. Anh hiếm có dịp gặp bác sĩ trong khi thuốc men bị hạn chế. Với 80% phổi bị nhiễm bệnh, Patel lo sợ tình hình sức khỏe của mình ngày một yếu đi.
“Tôi thực sự sợ hãi. Nếu như tình trạng của tôi trở nên nguy kịch, tôi không nghĩ là các bác sĩ có thể cứu mình”, Sadanand khó khăn nói từng câu với phóng viên CNN khi nằm trên giường bệnh.
Khi Ấn Độ hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ 3 với số các ca mắc mới tăng nhanh mỗi ngày, hệ thống chăm sóc y tế tại quốc gia này cũng căng mình chống chọi. Giường bệnh, oxy và nhân viên y tế luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Một số bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong khi chờ ngoài phòng đợi do bệnh viện quá tải.
Chỉ có một số ít bệnh nhân COVID-19 được bệnh viện tiếp nhận. Nhưng khi vào được bên trong, các bệnh nhân này phải đối mặt với một nỗi sợ kinh hoàng khác: thiếu hụt về chăm sóc y tế dẫn tới người xung quanh họ chết mỗi ngày.
Tháng 2/2021, giới chức Ấn Độ ra lệnh đóng cửa bệnh viện dã chiến Sardar Patel Covid vì tin rằng quốc gia này đã khống chế được đại dịch. Tuy nhiên, khi các ca bệnh bùng phát không kiểm soát, cơ sở với 500 giường bệnh này buộc phải mở cửa trở lại vào ngày 26/4.
Sadanand được bệnh viện tiếp nhận một ngày sau khi mở cửa. Trong viện chăm chồng, Goldi chứng kiến tình cảnh vật chất thiếu thốn tại cơ sở.
Trong một bệnh viện dã chiến dựng lên theo kiểu nhà kho, một vài bệnh nhân nằm trên giường bệnh làm từ thùng bìa cát tông. Sadanand cho biết kể từ khi nhập viện vào thứ Ba tuần trước, anh mới chỉ gặp bác sĩ 1-2 lần. Hai bệnh nhân nằm cạnh anh đều lần lượt ra đi chỉ vài giờ sau khi hết oxy hỗ trợ. Đến thứ Bảy, ít nhất 5 bệnh nhân xung quanh anh tử vong.
Tháng trước, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo sẽ mở rộng cơ sở với 2.000 giường bệnh và nguôn cung oxy y tế đầy đủ. Khoảng 40 bác sĩ và 120 chuyên gia y tế đã được điều động tới cơ sở song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ.
“Bạn sẽ chết ngay trên giường bệnh vì không có ai bên cạnh gọi bác sĩ hộ”, Sadanand cho hay. Tuy nhiên, vợ anh vẫn thuyết phục chồng ở lại viện vì ít nhất ở đây có nguồn oxy y tế dự trữ.
Ngoài oxy, thuốc men cũng là một phần quan trọng trong điều trị COVID-19 tại các bệnh viện.
Phổi của Sadanand đã bị thương tổn tới 80%. Bất cứ khi nào ngồi dậy, Sadanand đều ho dữ dội và đau ngực đến chảy nước mắt. Tại bệnh viện, anh được phát đồ ăn, nước uống và thở oxy song rất ít thuốc. Chỉ khi Goldi gây sức ép, các nhân viên y tế mới đưa cho anh kháng sinh.
“Song song với oxy, cách thức điều trị cũng rất cần thiết. Bạn không thể chỉ sống sót nếu chỉ dựa vào oxy”, Sadanand cho biết.
Tiến sĩ Chandrasekhar Singha, chuyên gia tư vấn cấp cao về sức khỏe nhi tại Bệnh viện Nhi Madhukar Rainbow ở New Delhi, cho biết một bệnh nhân bị tổn thương đến 80% phần phổi của họ sẽ cần được điều trị bằng thuốc kháng virus, thuốc chống viêm steroid và kháng sinh.