Theo đài CNA, nhiều người dân trên khắp Indonesia đang phàn nàn rằng họ không thể mua dầu ăn. Trong khi đó, một số người khác cho biết giá dầu ăn đã tăng phi mã đến nỗi tầng lớp thu nhập thấp, chiếm phần lớn trong tổng số 270 triệu dân của nước này, không thể mua nổi mặt hàng này.
Trong những tuần gần đây, các phương tiện truyền thông địa phương liên tục đăng tải hình ảnh người dân xếp hàng nhiều giờ để chờ mua mặt hàng thiết yếu này. Trong các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, các kệ hàng bán dầu ăn đều trống trơn.
Tình trạng thiếu hụt dầu ăn là điều trớ trêu đối với Indonesia vì quốc gia này là nhà sản xuất dầu cọ thô (CPO) lớn nhất thế giới. Tại Indonesia, hầu hết người dân trong nước đều sản xuất và tiêu thụ dầu ăn chiết xuất từ dầu cọ.
Cô Listiana, chủ cửa hàng bán súp và cháo gà tại thủ đô Jakarta, cho biết việc tìm mua dầu ăn trong những tuần qua là điều vô cùng khó khăn. Người phụ nữ 40 tuổi thường mua dầu ăn ở một khu chợ nhỏ gần nơi sinh sống, nhưng giờ đây, cô buộc phải mua dầu ăn tự đóng gói, không thương hiệu có sẵn tại một khu chợ truyền thống.
Anh Putra Jaya, tuổi, chủ cửa hàng bán dầu ăn, cho biết anh chỉ có dầu ăn không nhãn mác và dầu ăn được đóng gói đơn giản. Anh nói: “Dầu ăn đóng gói cao cấp đã khan hiếm suốt 3 tuần nay. Ngay cả khi có hàng, chúng tôi cũng phải cạnh tranh với nhiều người bán khác”. Người đàn ông cho biết anh đã bán hàng tại chợ truyền thống Kebayoran Lama ở Nam Jakarta suốt 15 năm và chưa từng chứng kiến tình trạng này trước đây.
Một số người bán hàng tại khu chợ Kebayoran Lama cho biết họ đã từ bỏ công việc bán dầu ăn vì không thể mua buôn mặt hàng này.
Trong khi đó, Listiana cho biết cô không biết rõ chất lượng của loại dầu ăn không nhãn mác này. Listiana cũng quyết định không tìm hiểu rõ vì cô rất cần dầu ăn cho công việc kinh doanh của mình. Giờ đây, tìm được dầu ăn có sẵn với giá cả phải chăng là một điều không dễ dàng.
Chủ cửa hàng đồ ăn nhanh Rudi Saputra cho biết vấn đề khan hiếm dầu ăn đã buộc anh phải chế biến ít đồ ăn hơn vì không thể tăng giá. Trong khi đó, tại một số siêu thị ở Jakarta, người tiêu dùng chỉ có thể tìm thấy dầu ăn nhập khẩu chiết xuất từ hạt cải, hướng dương và ngô, có giá ít nhất 5 USD/ lít.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI) Hariyadi Sukamdani chia sẻ tình trạng khan hiếm dầu ăn đã ảnh hưởng đến các nhà hàng trên khắp đất nước. Ông Sukamdani cho biết nhà hàng không thể phục vụ các món ăn cần được chế biến bằng dầu ăn.
Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), nước này đã sản xuất 47 triệu tấn dầu cọ thô vào năm 2021. Người phát ngôn của GAPKI khẳng định quốc gia này không thiếu nguồn cung. Vậy tại sao tình trạng khan hiếm dầu ăn lại xảy ra ở một đất nước sản xuất nhiều dầu cọ như vậy?
Vào tháng 11/2021, giá dầu cọ thô toàn cầu vẫn ở mức 1.300 USD/tấn. Nhưng hiện nay, mức giá đã tăng lên khoảng 1.600 USD/tấn. Dầu ăn ở Indonesia thường được bán với giá khoảng 1 USD/ lít, nhưng mặt hàng này bắt đầu tăng giá vào cuối năm ngoái trong bối cảnh giá dầu cọ toàn cầu tăng lên. Đến đầu năm nay, giá dầu ăn ở hầu hết các khu vực của Indonesia đã tăng hơn 40%.
Nhà chức trách đưa ra chính sách “một giá” đối với mặt hàng dầu ăn trên toàn quốc. Theo đó, dầu ăn sẽ được bán theo giá chung, khoảng 0,97 USD/ lít. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng tuân thủ quy định này. Đến cuối tháng 1, chính phủ đã công bố chính sách mới để ngăn giá tăng vọt.
Quốc gia này đã đặt giá bán lẻ trần cho mặt hàng này. Dầu ăn gia công số lượng lớn có giá 0,8 USD/lít, dầu ăn đóng gói đơn giản có giá 0,94 USD/lít và dầu ăn đóng gói cao cấp, loại được bán phổ biến trong siêu thị, có giá 0,97 USD/lít.
Tuy nhiên, quy định này vẫn không thể ngăn các nhà bán lẻ tăng giá dầu ăn. Đến đầu tháng 2, chính phủ đã quyết định yêu cầu các nhà xuất khẩu dầu cọ phân phối 20% CPO cho thị trường trong nước theo chính sách Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO). Tuy nhiên, vấn đề đã trở nên phức tạp hơn.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung của các loại dầu thực vật khác, khiến giá dầu cọ tăng mạnh. Chẳng mấy chốc, dầu ăn đã trở thành mặt hàng khan hiếm ở Indonesia. Một số nhà bán lẻ phải quy định mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 lít dầu ăn, nếu còn hàng.
Cảnh sát đã tiến hành đột kích và phát hiện nhiều kho hàng tích trữ dầu ăn. Một số người cũng nhận thấy rằng mặc dù dầu ăn không được tìm thấy ở chợ, nhưng nó đã được bán trên mạng. Điều này khiến nhiều người dân đổ xô đến các trang thương mại điện tử để mua dầu ăn.
Bà Ekhel Chandra Wijaya, nhà quản lý trang thương mại điện tử Tokopedia, cho biết họ đã chứng kiện lượng khách hàng mua dầu ăn tăng vọt trên nền tảng của mình. Trang thương mại điện tử khác Blibli cũng nhận thấy xu hướng tương tự.
Vào hôm 9/3, Chính phủ Indonesia thông báo các công ty dầu cọ phải phân phối 30% kế hoạch xuất khẩu cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất dầu cọ phản đối chính sách mới và tin rằng giải pháp này sẽ không giải quyết được vấn đề. Ông Tofan Mahdi, trưởng bộ phận truyền thông của GAPKI cho biết nguồn cung dầu cọ thô ở Indonesia luôn có đủ và vấn đề nằm ở chỗ khác. Ông tin rằng tình trạng thiếu hụt dầu ăn bắt nguồn từ quy trình sản xuất và chuỗi phân phối.
Hôm 17/3, chính phủ đã công bố biện pháp mới để giải quyết tình trạng thiếu dầu ăn. Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi cho biết sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm dầu cọ. Với giải pháp này, giới chức hy vọng rằng các nhà sản xuất sẽ ngừng tích trữ dầu ăn, ổn định vấn đề thiếu hụt, dù có thể mất vài tuần.
Đối với những người bán hang rong như Listiana, họ mong muốn tình trạng khan hiếm sẽ sớm được giải quyết. Cô nói: “Vấn đề này rất quan trọng đối với chúng tôi bởi chúng tôi rất cần dầu ăn. Chúng tôi không thể kiếm sống nếu thiếu nó”.