Theo trang The Guardian (Anh), tại một trung tâm tiêm chủng ở thành phố Al Alto, Bolivia, số lượng nhân viên y tế đông hơn rất nhiều so với người đến tiêm chủng. Xem lại danh sách, một bác sĩ trẻ cho biết tất cả các loại vaccine – bao gồm Sinopharm, Sputnik, Pfizer, Moderna – đều có sẵn. Điều còn thiếu là nhu cầu tiêm chủng. Ngày đông nhất cũng chỉ có 100 người đến tiêm vaccine.
Từng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, Nam Mỹ hiện đã trở thành khu vực có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Song, điều này không xảy ra ở Bolivia, nơi vẫn còn khoảng một nửa dân số chưa tiêm mũi vaccine đầu tiên, mặc dù tất cả các loại vaccine đều có sẵn từ tháng 10/2021.
Tính đến thời điểm hiện tại, 45% dân số Bolivia đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, trên 12% dân số tiêm 1 mũi và gần 7% dân số nhận được mũi tăng cường.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Bolivia từ cuối tháng 12/2021, tỉ lệ tiêm chủng giữa các khu vực ở quốc gia này có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi các thành phố lớn có mức độ bao phủ vaccine cao, các thị trấn nhỏ hơn có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn hẳn. Tuy nhiên, ở một số cộng đồng nông thôn, đặc biệt là Altiplano, gần 30% dân số trưởng thành đã nhận được một mũi vaccine.
Vào ngày 23/12/2021, Chính phủ Bolivia tuyên bố sẽ yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận vaccine hoặc kết quả xét nghiệm PCR âm tính khi đến nơi công cộng từ ngày 1/1. Sau thông báo này, tỉ lệ tiêm mũi đầu tiên trên đầu người ở Bolivia vượt lên cao nhất thế giới trong những ngày đầu năm. Nhưng biện pháp này đã gây ra các cuộc biểu tình ở các thành phố lớn, do những người bài vaccine đứng đầu. Đến ngày 5/1, chính phủ đã tạm hoãn yêu cầu này. Tỉ lệ tiêm chủng sau đó lại giảm mạnh.
Những thông tin sai lệch về vaccine COVID-19 đã lưu hành rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội phổ biến ở Bolivia, gồm Facebook và WhatsApp. Nhà báo Lucas Illanes nói: “Kể từ khi đại dịch bùng phát, thông tin sai lệch xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết. Nhiều người có tầm ảnh hưởng cũng lan truyền những thông tin sai lệch đó”.
Anh Illanes cho biết nhiều người dân Bolivia tin rằng clo dioxide, một chất độc hại, có thể chữa COVID-19 thần kỳ. Những người ủng hộ phương pháp chữa bệnh này thậm chí còn được mời tham gia các chương trình truyền hình và tổ chức họp báo, trái với lời khuyên của Bộ Y tế.
Bên cạnh chủ nghĩa bài vaccine, Tiến sĩ Pedro Pachaguaya, nhà nhân chủng học, cho rằng sự thiếu tin tưởng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe và quá ưa chuộng các phương pháp chữa bệnh truyền thống, cũng khiến tỉ lệ tiêm chủng giảm mạnh.
“Thông tin sai lệch liên quan đến phương pháp chữa bệnh truyền thống là một chủ đề rất tế nhị ở Bolivia. Chúng tôi không thể đánh giá phương pháp đó là đúng hay sai do không có nhiều phân tích khoa học về mối liên hệ giữa phương pháp chữa bệnh truyền thống với COVID-19”, Illanes nói và cho rằng mọi người nên tiếp cận các phương pháp chữa bệnh truyền thống một cách thận trọng hơn.