Theo đài RT (Nga), nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học East Anglia và tổ chức từ thiện Fifth Sense cho biết một số trẻ có thể trở nên kén ăn sau khi mắc COVID-19. COVID-19 ảnh hưởng đến khứu giác của trẻ một cách kỳ lạ, khiến trẻ chán ghét những món ăn chúng từng yêu thích. Fifth Sense là một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ những người bị rối loạn khứu giác và vị giác.
Kén ăn sau khi mắc COVID-19 còn được gọi là hội chứng parosmia, tức là chứng rối loạn khứu giác. Người mắc chứng parosmia có thể cảm thấy mùi vị của thức ăn bị biến dạng và thường ngửi thấy mùi khó chịu. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng những bệnh nhân mắc hội chứng parosmia có thể ngửi thấy mùi bắp cải thối rữa thay vì mùi chanh, hoặc mùi xăng thay vì sô cô la.
“Do đó, một số trẻ em có thể cảm thấy không còn hứng thú với những món ăn mà chúng từng yêu thích”, các nhà khoa học nói.
Trên thực tế, hội chứng parosmia chỉ thường xuất hiện ở người trưởng thành sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, căn bệnh này đang ngày càng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ, cho thấy nó cũng ảnh hưởng đến trẻ em, thậm chí khiến một số trẻ không còn hứng thú với ăn uống. Giáo sư Carl Philpott, chuyên gia về khứu giác tại Đại học East Anglia, cho biết lần đầu tiên trong sự nghiệp, ông chứng kiến hiện tượng thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn khứu giác.
Rối loạn khứu giác có thể sẽ còn gây vấn đề lớn hơn đối với trẻ vốn gặp một số vấn đề về ăn uống hoặc mắc các chứng bệnh khác, như tự kỷ. Các tác giả của nghiên cứu tin rằng những vấn đề này chưa được các chuyên gia y tế đánh giá đúng mức, vì chứng parosmia từng là một hiện tượng hiếm gặp ở trẻ em.
Giới chuyên gia đã đưa ra hướng dẫn cho các bậc phụ huynh và bác sĩ “để giúp họ nhận biết và hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh”. Trong số các khuyến nghị, họ cho rằng cha mẹ liệt kê những loại thực phẩm an toàn và gây kích thích việc ăn uống của trẻ.
Mất hoặc thay đổi vị giác được coi là một triệu chứng phổ biến của bệnh COVID-19. Trong hầu hết các trường hợp, khứu giác của người bệnh sẽ trở lại bình thường trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, nhưng đôi khi tình trạng này cần được điều trị hoặc thậm chí có thể trở thành bệnh mãn tính.
Số ca mắc COVID-19 ở trẻ nhỏ đang có xu hướng tăng nhanh so với giai đoạn đầu của đại dịch, một phần là do trẻ em là đối tượng chưa được tiêm vaccine COVID-19, một phần do sự xuất hiện của biến chủng Omicron dễ lây lan hơn.
Đến nay, các triệu chứng COVID-19 ghi nhận ở trẻ nhỏ được cho là ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo trẻ em vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 nặng và gặp các triệu chứng kéo dài. Do vậy, họ khuyến cáo trẻ em cũng cần được đảm bảo các yếu tố phòng dịch và tiêm chủng khi đủ tiêu chuẩn để giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong.