Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), trong giai đoạn đầu dịch COVID-19, có nhiều nghiên cứu cho thấy những người từng tiêm vaccine lao (BCG) từ khi còn nhỏ có tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 khá thấp.
Nghiên cứu thực hiện trên chuột hamster cho kết quả chúng có nguy cơ thấp mắc viêm phổi từ COVID-19 nếu được tiêm vaccine lao, ngoài ra, nồng độ virus SARS-CoV-2 trong phổi của chúng cũng khá thấp.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nhận thấy khác biệt quan trọng trong tế bào phổi của động vật từng tiêm và không tiêm vaccine lao sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Kết quả này đã được đăng tải trên trang web bioRxiv vào ngày 15/3, trước khi được bình duyệt khoa học.
Tiến sĩ William Bishai, người tham gia nghiên cứu nhận xét, khi mắc COVID-19, những động vật từng được tiêm vaccine lao sẽ có kháng thể đến tế bào phổi nhanh hơn, cơ chế phục hồi phổi cũng nhanh hơn và tình trạng viêm gây tổn thương mô cũng giảm.
Vào đầu tháng 3, các nhà nghiên cứu Ấn Độ cũng đưa ra đánh giá về tác động của vaccine lao đối với những người từng tiêm AstraZeneca trên trang Research Square trước khi được bình duyệt khoa học.
Theo đó, 21 đối tượng tham gia nghiên cứu tiêm vaccine lao có khánh thể và tế bào T "mạnh mẽ hơn" đáng kể chống lại virus so với 13 đối tượng tham gia nghiên cứu chưa từng tiêm loại vaccine này.
Đội ngũ nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins cũng nhận định rằng việc kết hợp vaccine lao và vaccine COVID-19 có thể tạo bảo vệ mang tính hợp lực. Các thử nghiệm lâm sàng với khả năng phòng vệ của vaccine trước COVID-19 đang được tiến hành.
Bệnh lao khiến khoảng 1,7 triệu người tử vong mỗi năm, chủ yếu ở các nước nghèo. Vaccine duy nhất phòng lao gọi là BCG và được sử dụng chủ yếu ở các khu vực có nguy cơ cao để bảo vệ trẻ em.