Nhóm nghiên cứu an toàn dược phẩm độc lập Epi-Phare đã thực hiện nghiên cứu trên với 22 triệu người trên 50 tuổi, tập trung vào yếu tố phòng bệnh nặng và tử vong, không nhằm nghiên cứu khả năng nhiễm sau tiêm. Kết quả cho thấy nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong ở những người đã được tiêm phòng giảm 90%.
Các dữ liệu được thu thập từ tháng 12/2020, khi Pháp khởi động chiến dịch tiêm phòng. Các nhà nghiên cứu đã so sánh kết quả của 11 triệu người đã tiêm với 11 triệu người chưa tiêm và so sánh trên cơ sở cùng nơi sinh sống, cùng độ tuổi, cùng giới tính. Kết quả cho thấy từ 14 ngày sau khi tiêm mũi thứ hai, nguy cơ bệnh nặng đối với những người đã tiêm giảm 90%. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy trong giai đoạn 5 tháng nghiên cứu, khả năng bảo vệ của vaccine đối với bệnh nặng không giảm.
Liên quan đến biến thể siêu lây nhiễm Delta, kết quả nghiên cứu cho thấy các vaccine giúp bảo vệ 84% đối với người trên 75 tuổi và 92% đối với người từ 50-75 tuổi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu này chỉ dựa trên dữ liệu trong một tháng, vì biến thể Delta chỉ hoành hành mạnh tại Pháp vào tháng 6. Chuyên gia dịch tễ học Mahmoud Zureik, người đứng đầu Epi-Phare, cho biết: "Cần nghiên cứu thêm các số liệu của tháng 8 và 9".
Hơn nữa, nghiên cứu trên mới tập trung vào những người tiêm vaccine của các hãng Pfizer/BioNtech, Moderna và AstraZeneca, không dùng dữ liệu tiêm vaccine của Jannsen - loại được cấp phép sau thời gian nghiên cứu và không được sử dụng rộng rãi ở Pháp.