Nếu những dữ liệu trong thử nghiệm lâm sàng trước đây cho thấy vaccine của Pfizer/BioNTech có thể phòng ngừa khả năng người bệnh phải nhập viện, kết quả nghiên cứu mới nói trên phản ánh thời gian bảo vệ hiệu quả của vaccine trên thực tế. Hãng Pfizer và cơ sở chăm sóc sức khỏe Kaiser Permanente đã phân tích hồ sơ của 3,4 triệu người dân ở phía Nam California, trong đó hơn 30% đã được tiêm chủng đầy đủ từ tháng 12/2020 đến tháng 8/2021. Sau khoảng thời gian trung bình từ 3-4 tháng, với những người đã tiêm phòng đủ liều, vaccine có hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh là 73% và nguy cơ nhập viện là 90%.
Tuy nhiên, trong khi khả năng bảo vệ trước biến thể Delta giảm 40% sau 5 tháng, khả năng phòng ngừa nguy cơ nhập viện đối với tất cả các biến thể khác vẫn ở mức rất cao trong suốt thời gian nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu trên cũng tương tự như những dữ liệu ban đầu mà cơ quan y tế Mỹ và Israel đưa ra trước đó, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi, đánh giá hiệu quả vaccine theo thời gian.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra tháng 9 vừa qua cho thấy các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay đủ hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng, do đó các nước chưa cần tiêm liều thứ 3 cho người dân nói chung. WHO cũng kêu gọi các nước tạm hoãn việc tiêm liều bổ sung cho đến cuối năm nay để giải quyết tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 giữa những nước giàu và nghèo hơn. Hiện một số quốc gia trên thế giới đang tiến hành tiêm chủng liều thứ 3 cho những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong tháng 8, cơ quan chức năng Mỹ đã cấp phép tiêm liều thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu, trong khi Pháp cho phép tiêm liều bổ sung cho những người cao tuổi.