Báo cáo cho biết MIS-C có thể xảy ra ở tuần thứ 2 đến tuần thứ 6 ở người sau khi mắc COVID-19 mà theo mô tả của các bậc phụ huynh, trẻ có triệu chứng sốt, có dấu hiệu và các triệu chứng viêm hệ thống liên quan đến các cơ quan trong cơ thể.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, bệnh nhân mắc MIS-C thường sốt dai dẳng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban trên da, tổn thương niêm mạc và trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân bị hạ huyết áp và sốc. CDC Mỹ cho biết bệnh có thể khởi phát nhiều tuần sau khi trẻ nhiễm SARS-CoV-2. Điều nguy hiểm, trẻ có thể nhiễm SARS-CoV-2 khi tiếp xúc người mắc không triệu chứng và ngay cả bản thân trẻ và người chăm sóc trẻ đều không nhận biết được trẻ đã nhiễm virus.
Mỹ phát hiện ca mắc MIS-C đầu tiên vào tháng 4/2020 và trong khoảng thời gian từ tháng 5/2020 đến tháng 11/2021, CDC Mỹ ghi nhận tổng cộng 5.973 ca mắc hội chứng này. Các tác giả nghiêng về giả thuyết hội chứng này phát triển do phản ứng miễn dịch tăng động đối việc nhiễm SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân mẫn cảm có khuynh hướng di truyền đối với hội chứng này.
Tuy nhiên, nghiên cứu này lại tập trung xác định xem MIS-C có xảy ra sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay không.
Một nhóm các nhà nghiên cứu của trường Y khoa Icahn tại Mount Sinai ở New York (Mỹ) tuyên bố đã phát hiện ra "manh mối quan trọng" đằng sau MIS-C. Nghiên cứu đã phân tích Hệ thống Báo cáo sự kiện có hại về vaccine của CDC Mỹ đối với các trường hợp nguy cơ mắc MIS-C sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 14/12/2020 đến ngày 31 /8/2021, ở nhóm từ 12─20 tuổi gồm 21 thanh niên với độ tuổi trung bình là 16 tuổi, đáp ứng định nghĩa của CDC Mỹ về tình trạng viêm.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận tất cả những bệnh nhân này đều phải nhập viện, 57% được đưa thẳng vào phòng chăm sóc đặc biệt, với 71% có bằng chứng xét nghiệm về nhiễm COVID-19 trong quá khứ hoặc gần đây, nhưng tất cả đều được xuất viện về nhà. Có 6 người tham gia nghiên cứu không có bằng chứng từng mắc COVID-19 trước đó, nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết vì các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có độ nhạy hạn chế đối với các bệnh nhiễm trùng không có triệu chứng, do đó, những người tham gia trẻ tuổi có thể đã mắc COVID-19 ngay cả khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính, vì vậy "việc tiêm chủng có thể trùng hợp với trường hợp phát bệnh MIS-C sau đó".
Tại Mỹ, hơn 21 triệu người từ 12-20 tuổi đã được tiêm một hoặc nhiều liều vaccine ngừa COVID-19 kể từ ngày 31/8/2021, do đó, tỷ lệ báo cáo chung về MIS-C sau khi tiêm chủng vaccine là 1/1.000.000 người từng mắc COVID-19 so với tỷ lệ 0,3/1.000.000 người đã tiêm chủng, song chưa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ mắc MIS-C đã được công bố trước đây ở những người chưa được tiêm chủng ở nhóm tuổi này ở Mỹ đã bị nhiễm SARS-CoV-2 (khoảng 200/1.000.0000 trường hợp). Với con số thống kê này, các nhà nghiên cứu khẳng định hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 trong việc ngăn chặn nguy cơ trở nặng ở người mắc COVID-19.
Theo CDC Mỹ, các chuyên gia khuyến khích các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho thanh thiếu niên vì đến nay mới chỉ có 57% thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi được tiêm chủng đầy đủ.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng chưa rõ tác động của vaccine ngừa COVID-19 đối với MIS-C, do vậy họ khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe loại trừ các nguyên nhân khác khi đánh giá các cá nhân có biểu hiện lâm sàng phù hợp với MIS-C. Trẻ sau khi tiêm chủng cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn khi nhóm đối tượng này hiện chiếm tỷ lệ cao nhất các trường hợp MIS-C sau khi nhiễm SARS-Cov-2.