Giống như vô số người khác, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, Danzico bị cuốn vào cơn sốt toàn cầu mang tên mua bán tiền kỹ thuật số. Và rất nhanh chóng, cơn sốt này trở thành một thứ gây ám ảnh.
“Tôi thức trắng nhiều đêm, trằn trọc, cố gắng loại bỏ các biểu đồ lên xuống ra khỏi đầu. Tôi cảm thấy mình như kẻ điên mất trí”, nhà thiết kế đồ họa báo chí làm việc ở Barcelona, Tây Ban Nha, chia sẻ.
Các đồng tiền số như Bitcoin và Ethereum nổi tiếng là có tính biến động khôn lường. Trong thời gian rất ngắn, người đàn ông 39 tuổi này trải qua cảm giác được và mất những khoản tiền nhiều năm mới kiếm nổi. Cảm xúc của anh ta giống như trò tàu lượn. Người vợ nhận thấy anh dễ nổi nóng và thường xuyên lo âu.
Matt Danzico từ chối nêu cụ thể thiệt hại về tài chính mà tiền số gây ra cho mình, ngoại trừ nói rằng “tiền trong tài khoản ngân hàng của chúng tôi đã bị ảnh hưởng”.
Hồi tưởng về những ngày “chìm nổi” cùng tiền số sau khi về Mỹ, người đàn ông này đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì đã nhanh chóng “cai nghiện” ngay từ giai đoạn đầu.
Nhưng trước tình hình thực tế rằng tiền số đã phát triển phổ biến hơn, Danzico cho hay những trải nghiệm đen tối hơn so với trường hợp của anh đang diễn ra trên toàn thế giới. Hàng chục triệu người đang mua bán tiền số. "Nếu một phần nhỏ trong số họ mất phương hướng, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn với quy mô lớn chưa từng thấy, Danzico lưu ý.
Theo anh, chẳng cần tìm đâu xa, ngay trên mạng xã hội Twitter cũng có đủ sức mạnh phản ánh hậu quả về tâm thần của những người chơi tiền số. Sau mỗi đợt token lao dốc, người chơi đã đăng hàng loạt tweet bày tỏ sự u uất, suy nghĩ bi quan, thậm chí là tự tử.
Tháng 9 vừa qua, câu chuyện của một người đàn ông Séc về nỗ lực làm giàu từ tiền số, song thất bại và phải gánh những khoản nợ chồng chất, đã lan truyền trên Twitter.
Chán nản và vô gia cư, anh ta quá xấu hổ, không dám nhờ người thân giúp đỡ. “Khi tôi gọi điện cho mẹ, tôi chỉ nói rằng mọi chuyện ổn, tôi có việc làm, chỗ ngủ, v.v. Thực tế là tôi đang chết đói”, người dùng Twitter có tên Jirka nhắc lại quãng thời gian đen tối của mình. Giờ đây, anh đang gây dựng lại cuộc đời.
Trăn trở bởi chính trải nghiệm của bản thân cũng như những gì người khác chia sẻ trên mạng xã hội, Danzico bắt đầu tìm hiểu về chứng nghiện tiền kỹ thuật số rồi công bố phát hiện của mình trên trang tin tức Cointelegraph.
Danzico chỉ tìm được một nghiên cứu quy mô nhỏ về nghiện tiền kỹ thuật số ở Thổ Nhĩ Kỳ và nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của một số nhà trị liệu ở nhiều nước, từ Thái Lan đến Mỹ. Giới chuyên gia coi hiện tượng này là một dạng nghiện cờ bạc, lưu ý đến những điểm tương đồng với các nhà giao dịch Phố Wall có các khoản đầu tư vượt quá tầm kiểm soát.
Castle Craig, phòng khám hỗ trợ cai nghiện ở Scotland, mô tả chứng nghiện tiền số như một “bệnh dịch thời hiện đại”. Theo phòng khám, vấn đề này phổ biến hơn ở nam giới, nhưng có thể là do có ít phụ nữ chơi tiền số hơn so với đàn ông.
Tháng 7, nền tảng giao dịch Crypto.com ước tính có 221 triệu người đang mua bán tiền số trên toàn thế giới. Số liệu này đã tăng gấp 2 lần trong 6 tháng do nhiều triệu người bắt đầu tham gia khi bị bó buộc trong nhà vì đại dịch.
Chỉ đến khi Danzico “sa chân”, anh mới chú ý đến các dấu hiệu rằng những nhà giao dịch tiền số xuất hiện ở mọi nơi. Một hàng xóm của anh sẽ hò hét mỗi lần đồng Eutherum tăng giá. Anh cũng bắt gặp những bạn trẻ trên phố cắm cúi xem biểu đồ tiền ảo qua điện thoại.
Danzico vẫn sở hữu một số tài sản tiền số cũng như tin tưởng loại hình tài chính phi tập trung này sẽ có tương lai tương sáng. Tuy nhiên, anh mong muốn xã hội thẳng thắn đối diện với vấn đề mà anh xem là một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần khổng lồ. “Có những đứa trẻ trở thành triệu phú ngay bên trong tầng hầm nhà bố mẹ và sau đó mất tất cả trước khi chạy ra ăn tối. Điều chúng ta cần làm là bắt đầu quan tâm đến vấn đề đó”, anh kết luận.