Đến hôm nay, lô vaccine này vẫn nằm trong kho bảo quản. Singapore đã chuyển sang sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna cho chương trình tiêm chủng của mình, khẳng định sẽ chỉ xem xét đưa vaccine Trung Quốc vào tiêm chủng nếu công ty Sinovac cung cấp thêm dữ liệu.
Diễn biến này làm lộ rõ những hạn chế trong “ngoại giao vaccine” của Bắc Kinh. Việc thiếu minh bạch trong công bố thử nghiệm lâm sàng của các hãng dược Trung Quốc đã làm suy giảm lòng tin của công chúng, dư luận, ngay cả khi một số lãnh đạo các quốc gia như Indonesia hay Sierra Leone đã tiên phong trích ngừa vaccine Trung Quốc nhằm khuyến khích sự tham gia của dân chúng.
Sinovac và Sinopharm nằm trong số các công ty dược đầu tiên trên thế giới tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 vào năm ngoái. Nhưng chưa rõ nguyên nhân tại sao hai hãng này chưa công bố dữ liệu nghiên cứu khoa học, bất chấp việc hơn 10 quốc gia trên thế giới đã bật đèn xanh cấp phép sử dụng khẩn cấp với vaccine của Sinovac và Sinopharm.
Theo Peter English, một chuyên gia truyền thông về kiểm soát dịch bệnh tại Anh, đây là điều đặc biệt khác thường, bởi vaccine được dụng đại trà trước cả khi công bố giữ liệu kiểm chứng.
Có dấu hiệu cho thấy, hiệu quả vaccine do Sinovac và Sinopharm phát triển thấp hơn kỳ vọng trước đó, dù Bắc Kinh đang tìm cách khuyến khích công dân nước ngoài sử dụng vaccine hai loại vaccine trên, bằng cách ưu tiên các thủ tục nhập cảnh, đi lại ở Trung Quốc cho người đã trích ngừa. Nhà phân phối của Sinopharm tại Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) mới đây thông báo rằng, có “rất ít người” được mời tiêm mũi thứ ba, sau khi hai mũi tiêm đầu tiên cho phản ứng miễn dịch thấp.
Sinopharm, công ty dược nhà nước, công bố vaccine do hãng phát triển có hiệu quả tới 79%. Còn đối với vaccine Sinovac, tỉ lệ này dao động trong biên độ khá lớn, từ 50,4% trong thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, tới khoảng 80% khi thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vaccine do Trung Quốc vẫn được nhiều nước đang phát triển đặt mua, trong bối cảnh hai loại vaccine tốt nhất hiện nay là Pfizer-BioNTech và Moderna đã bị các nước giàu thu gom gần hết.
Theo giáo sư thỉnh giảng Chong Ja Ian tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chính quyền Singapore không hẳn từ chối vaccine Sinovac, một động thái nếu thành sự thất chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không vừa lòng. Nhưng các nhà quản lý cũng không thể cấp phép sử dụng với rất ít thông tin, dữ liệu về vaccine này. Việc cất trữ vaccine, chưa đem ra tiêm chủng là giải pháp phù hợp với Singapore.
Với các nước có dân số đông và không nhiều lựa chọn, họ buộc phải chấp nhận vaccine từ Trung Quốc. Brazil, quốc gia đông dân nhất ở Nam Mỹ, đã chấp thuận sử dụng vaccine Sinovac, dù trước đó Tổng thống Jair Bolsonaro có ý dè chừng. Philippines hồi tháng trước cũng nhận lô hàng vaccine Sinovac viện trợ từ Trung Quốc.
Thông thường, các hãng vaccine cho công bố thông tin, dữ liệu chi tiết về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối (giai đoạn 3) trên các tạp chí, tập san khoa học hàng đầu trước thời điểm các nhà quản lý cấp phép sử dụng.
Pfizer và Moderna đã thực hiện công bố trên Tạp chí y khoa New England Journal danh tiếng vào tháng 12/2020. Sinopharm và Sinovac tự công bố một số kết quả, nhưng vẫn chưa đăng dữ liệu phân tích trên bất kỳ một tạp chí nào mà ở đó nội dung sẽ được các chuyên gia độc lập bên thứ ba thẩm định, đánh giá.
Giới chức chính phủ và các nhà lãnh đạo ngành dược Trung Quốc cho đến nay thường lảng tránh các câu hỏi về thời điểm công bố dữ liệu vaccine. Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn cầu hồi tháng này, Shao Yiming, một chuyên gia vaccine đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết các nước mà Sinovac và Sinopharm triển khai thử nghiệm lâm sàng, như Brazil và UAE, sẽ là đầu mối đứng ra công bố dữ liệu. Lãnh đạo hai công ty dược nêu trên cũng không đưa ra câu trả lời về vấn đề này.