Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết điều này diễn ra chỉ một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và ông Pompeo cùng Esper muốn tập trung vào nghi vấn của Ấn Độ về Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết hợp tác với Ấn Độ để chống lại dịch COVID-19.
Trong đối thoại với người đồng cấp Ấn Độ, Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Esper đã ký thỏa thuận mở rộng chia sẻ thông tin vệ tinh quân sự và nhấn mạnh đến hợp tác chiến lược giữa Washington cùng New Delhi.
Hai quan chức Mỹ cũng dự lễ tưởng niệm những quân nhân Ấn Độ thiệt mạng trong đụng độ với quân đội Trung Quốc ở biên giới. Ngày 15/6, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã có đụng độ tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột này.
Ngoại trưởng Pompeo nói: “Mỹ sẽ đồng hành với người dân Ấn Độ khi họ phải đối đầu với đe dọa tới tự do và chủ quyền đất nước. Lãnh đạo và người dân Mỹ đều nhận thấy rằng Trung Quốc không ủng hộ dân chủ, minh bạch, tự do hàng hải – nền tảng của Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cả Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Esper đã thảo luận về dịch COVID-19, hợp tác an ninh quốc phòng và chia sẻ lợi ích tại Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Trước đó, Bộ trưởng Esper nói rằng Ấn Độ và Mỹ cần tập trung “thể chế hóa và quy tắc hóa hợp tác để xử lý các thách thức và duy trì nguyên tắc của Ấn Độ Thái Bình Dương cởi mở và tự do trong tương lai”. Ông Esper còn nói rằng điều này đặc biệt quan trọng trước “sự hung hăng và hành động gây bất ổn ngày càng tăng từ Trung Quốc”.
Ngày 26/10, Ngoại trưởng Pompeo đã gặp gỡ người đồng cấp nước chủ nhà S. Jaishankar và tuyên bố “tầm quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của cả hai quốc gia tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và trên thế giới”.
Vào đầu tháng 10, Ngoại trưởng Pompeo đã gặp gỡ người đồng cấp Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tại Tokyo. Đây là những nước thành viên của nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD) được coi là đối trọng với Trung Quốc.
Sau Ấn Độ, ông Pompeo sẽ đến thăm Sri Lanka, Maldives và Indonesia. Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka đã không đồng tình với việc Ngoại trưởng Mỹ đến đây. Ngày 26/10, đại sứ quán Trung Quốc đăng tải nội dung: “Chúng tôi phản đối việc Mỹ lợi dụng chuyến thăm của Ngoại trưởng nước này để gieo rắc và can thiệp vào quan hệ Trung Quốc- Sri Lanka”. Cơ quan này còn cho rằng chuyến thăm 24 giờ của ông Pompeo tạo gánh nặng cho Sri Lanka vốn đang trong dịch COVID-19.
Trước đó, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Dean Thompson đã đề cập đến đầu tư của Trung Quốc tại Sri Lanka đồng thời nói: “Chúng tôi khuyến khích Sri Lanka đưa ra quyết định khó khăn nhưng cần thiết để đảm bảo độc lập kinh tế vì thịnh vượng dài hạn và Mỹ sẵn sàng là đối tác để Sri Lanka phát triển kinh tế”.
Đại sứ quán Trung Quốc đã phản đối phát biểu của ông Dean Thompson và cho rằng đây là vi phạm nghi thức ngoại giao.
Khi Trung Quốc và Ấn Độ căng thẳng tại biên giới từ tháng 5, Tổng thống Trump đã ngỏ ý làm trung gian hòa giải nhưng cả Bắc Kinh cùng New Delhi đều không hồi đáp.
Kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, Washington và New Delhi đã đẩy mạnh hợp tác quân sự. Khi nhà lãnh đạo Mỹ đến thăm Ấn Độ vào tháng 2, hai bên đã đạt được thỏa thuận quốc phòng trị giá trên 3 tỷ USD.