Ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại phiên điều trần ngày 11/1. |
Ngoại trưởng Mỹ tương lai Rex Tillerson đã bước đầu thể hiện chính sách cứng rắn của mình đối với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong phiên điều trần trước Thương viện hôm 11/1 vừa qua, ứng viên cho vị trí đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã để xuất cấm Trung Quốc lên các đảo nhân tạo (xây dựng trái phép) ở Biển Đông, và ông cho rằng các hoạt động xây đảo của Bắc Kinh tại vùng nước này là “hành động phi pháp”.
Cựu Chủ tịch Exxon Mobil nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc. Đầu tiên việc xây đảo cần dừng lại. Và thứ hai, họ sẽ không được phép đặt chân lên đó”.
Phản ứng trước quan điểm về vấn đề Biển Đông của Ngoại trưởng Mỹ tương lai, truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo bất kỳ hành động hay quyết định nào giống như ông Tillerson đề xuất sẽ dẫn đến “sự đối đầu lớn” và cả hai bên nên chuẩn bị “cho một vụ đụng độ quân sự”.
Trong một ấn phẩm ra ngày 13/11, tờ Thời báo Hoàn cầu phiên bản tiếng Anh có viết: “Những lời tuyên bố của ông Tillerson về đảo nhân tạo trên Biển Đông thể hiện sự ‘thiếu chuyên nghiệp'. Nếu như đội ngũ ngoại giao của ông Trump muốn định hình quan hệ hai nước theo hướng này, thì tốt nhất hai bên nên chuẩn bị cho một vụ đụng độ quân sự”.
Trong khi đó, tờ nhật báo nhà nước China Daily lại mô tả phát ngôn của ông trùm dầu khí là "một mớ hỗn độn pha trộn sự ngây thơ, thiển cận, định kiến và mộng tưởng chính trị phi thực tế. Nếu như thực sự ông ấy làm theo chính sách đó trong thế giới thực, điều này sẽ là thảm họa và dẫn đến một cuộc đối đầu lớn giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Trước đây Tổng thống đắc cử Trump luôn lên án gay gắt Trung Quốc trong suốt thời gian tranh cử, nhưng chủ yếu các lần chỉ trích của ông là nhằm vào chính sách thương mại gian xảo cướp mất việc làm của người Mỹ. Bên cạnh đó, ông Trump đang muốn giảm bớt sự can thiệp quân sự của Mỹ trên trường quốc tế, nên nhiều người tin rằng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ dừng lại vấn đề thương mại, và Biển Đông sẽ không còn chiếm giữ vị trí quan trọng như dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên theo Giáo sư quan hệ quốc tế Zhu Feng thuộc trường Đại học Nam Kinh, Biển Đông vẫn sẽ là vấn đề cấp thiết trong chiến lược an ninh châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Washington. "Toàn bộ quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là một bãi mìn. Sẽ không có bất kỳ một chỗ hổng nào để có thể đặt chân lên đó”, ông Zhu Feng nhận xét.
Trong một diễn biến liên quan tới nội các ông Trump, với tỷ lệ 2 phiếu ủng hộ và 151 phiếu chống, ngày 13/1, Hạ viện Mỹ đã ủng hộ quyết định miễn trừ đối với Tướng James Mattis để ông nắm quyền lãnh đạo Lầu Năm Góc cho dù mới xuất ngũ từ năm 2013, chưa đủ 7 năm theo luật định. Phần lớn các hạ nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu phản đối việc miễn trừ, trong khi các hạ nghị sĩ Cộng hòa đều ủng hộ quyết định này.
Theo kế hoạch, ông Mattis sẽ phải điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện trong tuần này, nhưng nhóm chuyển giao của ông Trump đã hủy kế hoạch trên. Các nghị sĩ Dân chủ cho biết họ ủng hộ ông Mattis, nhưng cho rằng việc hủy điều trần sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm về khả năng ông Trump bỏ qua Quốc hội.
Trước đó, với tỷ lệ 81 phiếu ủng hộ và 17 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 12/1 cũng tán thành việc miễn trừ đối với ông Mattis. Quyết định miễn trừ này vẫn phải được Tổng thống Mỹ phê chuẩn thành luật mới có hiệu lực.