Theo hãng thông tấn ISNA, ông Araghchi tuyên bố JCPOA (còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran), ở hình thức hiện tại không thể hồi sinh, nhưng không loại trừ khả năng cuộc đàm phán mới về thỏa thuận này sẽ được khôi phục, trong đó bao gồm việc thay đổi một số phần của thỏa thuận.
“Trước tiên, phải tạo ra một cơ sở phù hợp để nối lại đàm phán. Sau đó, chúng ta sẽ tiến hành đàm phán dựa trên công thức từng áp dụng trong JCPOA trước đây. Xây dựng lòng tin để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt. Chúng ta có thể quay lại công thức này một lần nữa”, ông Araqchi nói.
Lưu ý rằng một số điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đã lỗi thời và cần phải thay đổi, Ngoại trưởng Iran tuyên bố JCPOA vẫn đại diện cho “một hình thức phù hợp có thể hướng chúng ta đến một thỏa thuận mới”. Tuy nhiên, ông nói rằng mọi thứ phụ thuộc vào việc các bên có tìm được nền tảng để thấu hiểu lẫn nhau nhằm nối lại các cuộc đàm phán trên cơ sở bình đẳng hay không.
Năm 2015, Anh, Đức, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp và Iran đã ký kết một thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, cho phép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, tháng 5/2018, tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Để đáp trả, Iran tuyên bố sẽ giảm dần các cam kết theo thỏa thuận, từ bỏ các hạn chế đối với nghiên cứu hạt nhân, máy ly tâm và mức độ làm giàu urani.
Đến tháng 12/2021, Iran đã tự nguyện cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tái lắp đặt camera tại cơ sở hạt nhân Karaj, nhưng cơ quan này không được phép lắp đặt camera giám sát và xác nhận rằng cơ sở này chưa tiếp tục sản xuất ống rôto máy ly tâm và ống thổi. Đồng thời, Tehran cho biết họ sẽ chỉ cung cấp dữ liệu camera giám sát từ cơ sở hạt nhân Karaj sau khi Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt.
Đầu tháng 6, trong chương trình nghị sự của cuộc họp lần thứ 6 của Hội đồng Thống đốc IAEA, Moskva, Tehran và Bắc Kinh đã ra tuyên bố chung rằng đã đến lúc các nước phương Tây phải hành động để khôi phục thỏa thuận hạt nhân - trong đó Nga, Trung Quốc và Iran đã sẵn sàng thực hiện.