Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh ABC News phát sóng ngày 29/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra nhận định trên.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Bình Nhưỡng ngày 26/4. Ảnh: EPA/TTXVN. |
Trước đó, ông Pompeo đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào dịp lễ Phục sinh vừa qua để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc gặp diễn ra trước khi ông Pompeo chính thức nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ ngày 26/4 vừa qua.
Ông Pompeo cho biết, tại cuộc gặp, ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã "thảo luận sâu" về một cơ chế phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, ông tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đang tìm kiếm các "hành động cụ thể" chứ không chỉ trên giấy tờ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh trong bất cứ thỏa thuận nào, Triều Tiên cần đồng ý có những bước đi “không thể đảo ngược” nhằm từ bỏ chương trình hạt nhân.
Cùng ngày 29/4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ đang cân nhắc sử dụng mô hình phi hạt nhân hóa Libya trong các cuộc đàm phán sắp tới với Triều Tiên. Theo mô hình này, Triều Tiên phải xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân trước khi nhận được bất cứ động thái nhượng bộ nào.
Trả lời phỏng vấn Fox News, ông Bolton cho biết Mỹ "đang tính đến mô hình Libya năm 2003, 2004" dù có nhiều điểm khác biệt về quy mô giữa hai chương trình hạt nhân của Libya và Triều Tiên. Ông cũng cho rằng chính sách "gây sức ép tối đa" của chính quyền Trump cùng với sức ép chính trị quân sự đã dẫn tới những kết quả ngoại giao hiện nay, đồng thời cho rằng "giảm nhẹ sức ép này sẽ không khiến việc đàm phán dễ dàng hơn, mà có thể khiến nó trở nên khó khăn hơn".
Các nhận định trên được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên có
cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm 27/4 vừa qua, trong đó hai bên xác nhận mục tiêu chung giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên; tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán 3 bên, bao gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, hoặc cơ chế đàm phán 4 bên, bao gồm cả Trung Quốc, để tiến tới ký hiệp định hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình vững chắc, lâu dài. Cuộc gặp này được cho là đặt nền móng cho thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Trong một phát biểu tại Michigan, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ "lạc quan thận trọng" về cuộc gặp sắp tới với ông Kim Jong-un. Ông đánh giá đây sẽ là một "cuộc gặp rất quan trọng", và bày tỏ hy vọng "một cuộc đàm phán thành công", song cũng nhấn mạnh rằng nếu mọi chuyện không tiến triển, ông sẽ rời phòng họp.