Hình ảnh trên truyền thông cho thấy ông Pompeo đã xuất hiện tại nhà máy rượu Psagot tại khu công nghiệp Sha'ar Binyamin, ở Bờ Tây. Trong một tuyên bố, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ yêu cầu các mặt hàng xuất khẩu sang nước này từ các khu định cư của Israel tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng, phải dán nhãn "Israel", "Sản phẩm của Israel", hoặc "Sản xuất tại Israel".
Ông nêu rõ quy định này sẽ áp dụng chủ yếu đối với Khu C, bao gồm phần lớn khu vực Bờ Tây, nơi Israel đang chiếm đóng và có nhiều dân định cư sinh sống. Khu vực này cũng bao gồm Thung lũng Jordan chiến lược và nhiều cộng đồng người Palestine, cũng như một số khu vực mà Israel coi là vùng lãnh thổ tranh chấp.
Cũng theo thông báo, đối với mặt hàng xuất khẩu từ những địa điểm nằm dưới sự kiểm soát của Chính quyền Palestine, sản phẩm phải được dán nhãn "Bờ Tây". Trong khi đó, hàng hóa từ Dải Gaza do phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát phải ghi "Gaza" trên nhãn sản phẩm. Ngoại trưởng Pompeo cho rằng động thái này là cần thiết do "Gaza và Bờ Tây có sự tách biệt về chính trị và hành chính nên cần được đối xử phù hợp".
Phản ứng trước thông báo trên, một quan chức của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã coi đây là bước đi thể hiện sự đồng tình với hành vi chiếm đóng.
Các khu định cư Do Thái nằm ở Bờ Tây và Đông Jerusalem - những vùng đất Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967. Ước tính khoảng 450.000 người định cư Do Thái đang sống tại Bờ Tây. Phần lớn cộng đồng quốc tế coi hoạt động định cư này là vi phạm luật pháp quốc tế và cản trở hòa bình.
Israel là chặng dừng chân thứ 4 trong khuôn khổ chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo tới 7 quốc gia đồng minh của Mỹ. Theo Ngoại trưởng Pompeo, chuyến thăm sẽ thảo luận về "những nỗ lực lịch sử của Tổng thống Donald Trump để kiến tạo hòa bình và hợp tác trên khắp Trung Đông".
Sau Israel, ông Pompeo sẽ tới thăm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar.