Theo chương trình chính thức, tại Bahrain, Ngoại trưởng Pompeo sẽ có bữa trưa làm việc với Quốc vương Hamad Bin Isa al-Khalifa, Thái tử Salman Bin Hamad al-Khalifa và Ngoại trưởng Khaled bin Ahmad al-Khalifa.
Bahrain, đồng minh gần gũi của Mỹ ở vùng Vịnh, là nơi Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đồn trú với khoảng 7.800 binh sĩ, cùng với một căn cứ hải quân Anh. Đây là một trong những đồng minh thân cận nhất của cường quốc khu vực Saudi Arabia, và có chung sự thù địch với Iran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Bahrain là nước ủng hộ mạnh mẽ việc đối phó với Iran cùng cam kết tiếp tục các nỗ lực điều tra và đối phó với hành động lách các lệnh trừng phạt của Iran và đấu tranh chống lại hoạt động trái phép trên biển.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo nằm trong chuyến công du khu vực nhằm mục đích trấn an các đồng minh Mỹ, sau quyết định bất ngờ của Tổng thống Donald Trump rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Syria.
Trước khi tới Bahrain, ông Pompeo đã tới Jordan, Iraq, Ai Cập và dự kiến cũng sẽ thăm 5 nước thành viên khác của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Oman và Saudi Arabia.
Giới chức Mỹ luôn đề cao các nước đối tác vùng Vịnh đóng vai trò then chốt trong việc đạt được các mục tiêu khu vực chung - như đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, đối phó với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, bảo vệ nguồn cung năng lượng toàn cầu và hạn chế hành động mà Washington cho là gây hấn của Iran.
Mục đích chuyến công du dài ngày tới một loạt nước ở Trung Đông lần này của Ngoại trưởng Pompeo nêu bật một thông điệp: "Mỹ sẽ không bỏ rơi Trung Đông". Đồng thời, Washington muốn các đồng minh của mình tại đây gánh vác thêm trọng trách đảm bảo an ninh và ổn định khu vực trong bối cảnh có những lo ngại về sự tái trỗi dậy của các tổ chức cực đoan như al-Qaeda và IS sau khi Mỹ rút quân.
Ngoại trưởng Pompeo hiện phải chịu áp lực xóa bỏ ấn tượng của các đồng minh Mỹ trong khu vực rằng Mỹ sẽ ngay lập tức rút quân khỏi Syria. Ông khẳng định việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ diễn ra từ từ, theo lịch trình.
Các nước lân cận, đặc biệt là Israel, vô cùng lo ngại về khả năng đối thủ "không đội trời chung" của họ là Iran sẽ tăng cường hiện diện tại Syria và từ đó giúp đồng minh của Tehran là Tổng thống Syria Bashar al-Assad khôi phục hoàn toàn quyền lực.
Ngoài ra, một mục tiêu khác trong chuyến công du này của quan chức ngoại giao Mỹ là củng cố các mối quan hệ đồng minh trong khu vực đối phó với Iran - một đối thủ lớn của Saudi Arabia và Israel- hai nước có quan hệ đồng minh đặc biệt với Mỹ.
Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Iran là "nước tài trợ lớn nhất thế giới cho khủng bố". Chính quyền của Tổng thống Trump coi nước CH Hồi giáo này là lý do để duy trì một mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ với Saudi Arabia bất chấp vụ bê bối liên quan cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi hồi tháng 10 năm ngoái.
Các quan chức Bộ Ngoại Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo cũng hy vọng sẽ củng cố được mối quan hệ đồng minh của 6 nước thuộc GCC. Tổ chức này đã bị suy yếu năm 2017 sau khi Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tìm cách cô lập quốc gia thành viên GCC là Qatar với các nước khác trong khu vực, cáo buộc nước này hỗ trợ các nhóm cực đoan.
Một quan chức khác của Mỹ cho rằng rạn nứt này không mang lại lợi ích gì và khiến cho Iran có thể tận dụng để củng cố vị thế trong khu vực.