Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về không phổ biến hạt nhân, ông Lavrov khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran - được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015 - là một thành tích ngoại giao quan trọng, thực sự đóng góp vào việc củng cố cơ chế không phổ biến hạt nhân và duy trì an ninh cũng như hòa bình quốc tế.
Ông nêu rõ: "Chúng ta không thể vì những lợi ích của chương trình nghị sự của một số quốc gia nào đó mà từ bỏ thành tựu thực sự của ngoại giao quốc tế. Sự sụp đổ của JCPOA sẽ là một thông điệp đáng lo ngại đối với toàn bộ cấu trúc an ninh quốc tế, trong đó có những triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại HĐBA cũng nhấn mạnh rằng cần duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran "vì lợi ích của thế giới".
Trước đó, ngày 12/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa khẳng định phải thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran bằng một thỏa thuận khác cứng rắn hơn, dù cho biết Mỹ sẽ không áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran trong 120 ngày tới, đồng nghĩa thỏa thuận lịch sử trên vẫn được duy trì ít nhất tại thời điểm này.
Trong thời gian đó, ông Trump muốn Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu soạn thảo thỏa thuận mới mà không cần thương lượng với Tehran để "sửa chữa" những nội dung mà ông cho là "sai lầm thảm họa" trong thỏa thuận hiện nay.
JCPOA được ký hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây, theo đó Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.