Theo bộ trên, hai bên đã ghi nhận tiến triển đạt được trong hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới các khu vực bị phong tỏa trên lãnh thổ Syria. Ngoài ra, ông Lavrov cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ có "những hành động khiêu khích vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria".
Quân đội Syria giành lại thị trấn chiến lược Kansaba ở Latakia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó cùng ngày, Điện Kremlin đã bày tỏ quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích vào lãnh thổ Syria, cho rằng những hành động như vậy làm gia tăng căng thẳng trên đường biên giới hai nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày cũng thông báo ý định giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria bằng các công cụ chính trị và ngoại giao.
Trong khi đó, Ủy ban Đàm phán Cấp cao, với các thành viên đến từ các phe phái đối lập tại Syria, cho biết sẵn sàng thực thi lệnh ngừng bắn tạm thời theo đề xuất của các cường quốc thế giới, với một vài điều kiện kèm theo, trong đó có việc Nga và Iran - các đồng minh của chính quyền Syria – ngừng chiến dịch quân sự tại quốc gia Trung Đông này.
Ủy ban này tuyên bố nhất trí với các điều khoản trong đề xuất “ngừng các hoạt động thù địch” nhằm mở đường cho việc dỡ bỏ lệnh bao vây và tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, các nhóm đối lập sẽ chỉ đình chiến nếu có sự đảm bảo rằng Nga và Iran cùng các lực lượng đồng minh ngừng chiến dịch quân sự hiện nay, lệnh bao vây được dỡ bỏ, hàng viện trợ nhân đạo được vận chuyển tới những khu vực thiếu thốn, và các tù nhân, nhất là phụ nữ và trẻ em, được trả tự do.
Tuyên bố trên, được đưa ra sau cuộc họp nội bộ Ủy ban, nhấn mạnh phe đối lập ở Syria muốn có một phản ứng tích cực trước các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu tại Syria.
Trong những ngày qua, giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt tại Syria, đặc biệt là tại tỉnh Aleppo, phía Bắc Syria, nơi các nhóm phiến quân đã bị áp đảo trước các đợt tấn công của quân chính phủ dưới sự yểm trợ của không quân Nga và Liên minh Dân chủ Syria do lực lượng người Cuốc dẫn đầu. Cuộc xung đột tại Syria hiện đã kéo dài tới 6 năm, khiến hơn 260.000 người thiệt mạng và một nửa dân số nước này buộc phải đi lánh nạn.