Tại một cuộc điện đàm ngày 20/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng quyết định sáp nhập Crimea (Crưm) vào Liên bang Nga sẽ không được xem xét lại vì đây là nguyện vọng của tuyệt đại đa số người dân bán đảo.
Hai bên cũng tiếp tục thảo luận tình hình tại Ukraine và các khả năng hỗ trợ quốc tế để giúp Ukraine vượt qua khủng hoảng chính trị, trong đó có biện pháp tổ chức giám sát tình hình thực thi quyền con người và các dân tộc ít người. Ngoại trưởng Lavrov đặc biệt lưu ý người đồng cấp Mỹ về những hành động mất kiểm soát của các lực lượng dân tộc cực đoan ở Ukraine nhằm vào các doanh nhân, nhà báo và người dân nói tiếng Nga. Ông Lavrov nhấn mạnh cần phải chấm dứt ngay việc bao che cho các chiến binh thuộc lực lượng "Cánh hữu" và một số cốt cán trong đảng "Svoboda" tại Ukraine.
Trước đó, tại Kiev, Giám đốc kênh truyền hình số một quốc gia Aleksander Panteleymonov đã bị một số nghị sĩ thuộc Svoboda hành hung buộc viết đơn từ chức. Đảng Svoboda và Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseni Yaseniuk đã chính thức chỉ trích hành động này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry. Ảnh: Telegraph |
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ gặp ông Lavrov bên lề Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tới đây tại La Haye (Hà Lan) và đề tài trung tâm cuộc thảo luận sẽ là tình hình tại Ukraine.
Sau Hạ viện Nga (Duma Quốc gia), Thượng viện Nga (Hội đồng Liên bang) dự kiến sẽ phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea trong ngày 21/3, đưa hiệp ước này có hiệu lực ngay sau khi phê chuẩn.
Quan sát viên OSCE đến Kiev Trong lúc này, phái bộ 8 quan sát viên quân sự quốc tế thứ hai đã đến Kiev để đánh giá tình hình tại các tỉnh miền Đông và miền Nam Ukraine. Đây là hoạt động trong khuôn khổ thực hiện thỏa thuận Budapest của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), theo đó các quốc gia hoặc nhóm quốc gia thành viên thỏa thuận có thể thị sát các đơn vị quân đội trên lãnh thổ của nhau nhằm đánh giá tính xác thực của thông tin về quốc phòng và vũ trang mà quốc gia bị thị sát cung cấp. Phái bộ sẽ làm việc tại Ukraine từ ngày 20/3 đến hết ngày 29/3. Sau Crimea, các tỉnh miền Đông và Nam Ukraine nơi có đông người nói tiếng Nga được quốc tế quan tâm do các thông tin về tư tưởng phản đối chính phủ lâm thời Kiev. Đã diễn ra một số cuộc mít tinh có đụng độ tại nhiều thành phố lớn của vùng này yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý về "liên bang hóa" Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan đến tình hình khủng hoảng trong nước tại Ukraine, phóng viên TTXVN tại Praha đưa tin, Chính phủ Séc đang bắt đầu bàn đến các động thái hỗ trợ người Ukraine gốc Séc hồi hương do lo ngại trước bất ổn xã hội. Bộ Nội vụ Séc tuyên bố có thể cho phép những người hồi hương đăng ký hộ khẩu thường trú, còn Chủ tịch Hạ viện Séc Jan Hamazek đặt ra vấn đề tìm kiếm nguồn tài chính để hỗ trợ kiều bào.
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseni Yaseniuk đang có mặt tại Brussells (Bỉ) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) về Ukraine, dự kiến hai bên sẽ ký kết nội dung chính trị của Hiệp định liên kết Ukraine-EU. Phát biểu trước báo giới, ông Yaseniuk cho biết sẽ sẵn sàng ký phần cơ bản của Hiệp định là nội dung kinh tế sau cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn ngày 25/5 tới. Ông coi đây là một trong những bước đi quan trọng đầu tiên để Ukraine tiến tới quy chế thành viên EU trong tương lai.
TTXVN/Tin tức