Cuộc điện đàm diễn ra sau khi ông Fumio Kishida trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản trong tuần này.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm kéo dài 15 phút, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken "dựa trên mối quan hệ tin cậy đã được vun đắp cho đến nay". Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết thêm hai bên đã trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề liên quan tình hình khu vực cũng như hợp tác về biến đổi khí hậu.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên khẳng định liên minh song phương là "nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác". Ông Motegi và ông Blinken cũng chia sẻ quan ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời khẳng định cam kết giải quyết các vấn đề liên quan thông qua hợp tác 3 bên (cùng với Hàn Quốc) hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày 7/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Mỹ ủng hộ và đang tham gia các nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Triều Tiên. Ông Price nhấn mạnh Mỹ vẫn ủng hộ viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên ngay cả khi nỗ lực của Washington về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không tiến triển.
Nhắc lại kêu gọi đối thoại, ông Price nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, và vì mục tiêu đó, Washington sẵn sàng gặp Bình Nhưỡng "bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và không cần điều kiện tiên quyết", đồng thời kêu gọi Triều Tiên phản hồi tích cực với cách tiếp cận của Mỹ.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa đình trệ từ đầu năm 2019. Triều Tiên vẫn chưa phản hồi về một loạt đề xuất đàm phán do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, đầu tuần này, Triều Tiên đã mở lại các kênh liên lạc trực tiếp với Hàn Quốc, làm dấy lên hy vọng Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng đối thoại với Seoul, cũng như với Washington.