Phát biểu tại một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các khu định cư của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, ông al-Maliki cho rằng những nỗ lực của chính quyền Washington đối với khu vực này không thể coi là nỗ lực hòa bình.
Cuộc họp trên có sự tham dự của đại diện đàm phán hòa bình Trung Đông của Mỹ Jason Greenblatt. Trong 2 năm qua, ông Greenblatt đã cùng cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner tiến hành soạn thảo một kế hoạch hòa bình Trung Đông được cho là sẽ tạo khuôn khổ khôi phục đàm phán giữa Israel và Palestine. Kế hoạch này dự kiến được công bố vào tháng 6 tới.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Palestine al-Maliki nhấn mạnh: "Tất cả những biểu hiện cho đến nay đều cho thấy đây không phải là một kế hoạch hòa bình mà là những điều kiện cho việc đầu hàng".
Ông al-Maliki nêu rõ trước khi công bố kế hoạch, Mỹ đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và "vờ như" điều này không ảnh hưởng gì tới hòa bình. Theo ông Maliki, tất cả các quyết định mà chính quyền Mỹ đưa ra đến nay đã chứng thực rằng Mỹ không quan tâm tới cuộc sống và các quyền của người Palestine cũng như luật pháp và sự đồng thuận quốc tế.
Ngoại trưởng al-Maliki khẳng định chỉ có giải pháp hai nhà nước mới có thể đem lại hòa bình chính đáng và lâu dài.
Trước đó, Thủ tướng chính quyền Palestine Mohammad Ishtaye cũng cáo buộc Mỹ gây sức ép để buộc người Palestine phải nhượng bộ và chấp nhận kế hoạch hòa bình do Washington đề xuất. Theo ông Ishtaye, những động thái của Mỹ như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này, đóng cửa Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại thủ đô Washington và ngừng viện trợ là nhằm gây sức ép với Palestine. Ông nhấn mạnh người Palestine không có lý do gì để ủng hộ nếu thỏa thuận không bao gồm những quyền hợp pháp của họ.
Trong khi đó, cùng ngày 9/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Đại sứ quán nước này tại Jerusalem đã chính thức mở cửa, gần một năm sau khi tòa nhà đại sứ quán được khánh thành.
Cuối năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo ý định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem. Tháng 5/2018, Mỹ chính thức chuyển Đại sứ quán đến thành phố thánh địa này. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phía Palestine và cả thế giới Arab, thậm chí cả các nước đồng minh phương Tây của Mỹ.
Vấn đề quy chế của thành phố Jerusalem lâu nay là chủ đề đặc biệt nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel - Palestine. Israel chiếm giữ khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận động thái này của Israel, trong khi người Palestine luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.