Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình MTV (Phần Lan), Ngoại trưởng Soini nhấn mạnh đây được gọi là hội đàm kênh 1.5 giữa các học giả và quan chức, trong đó Phần Lan chỉ đóng vai trò là nhà tổ chức. Do hội đàm theo kênh 1.5 nên có thể các bên sẽ không bàn về vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Phần Lan hoan nghênh cuộc đối thoại đang diễn ra, đồng thời cho rằng cần tận dụng khoảng thời gian đối thoại này, vốn được Hàn Quốc và Triều Tiên mở ra trước khi diễn ra Olympic mùa Đông 2018 hồi tháng trước. Tuy nhiên, ông Soini không tiết lộ chi tiết cuộc hội đàm.
Trước đó, ngày 19/3, đại diện của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc họp không chính thức tại thủ đô Helsinki, Phần Lan. Theo Tập đoàn truyền thông quốc gia Phần Lan Yle, một bữa ăn tối làm việc giữa 3 bên đã được tổ chức tại một nhà hàng ở trung tâm thành phố. Tổng cộng có 18 người tham dự cuộc gặp, mỗi đoàn cử 6 người. Phái đoàn Triều Tiên do ông Choe Kang-il, Vụ phó Vụ các vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, dẫn đầu trong khi phái đoàn của Mỹ và Hàn Quốc gồm nhiều cựu nhà ngoại giao và các chuyên gia an ninh. Dự kiến, cuộc hội đàm này sẽ kết thúc vào ngày 21/3.
Phát biểu trước thềm cuộc gặp trên, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết vai trò của Phần Lan trong các hội nghị này là "không lớn". Ông cũng nói thêm rằng Phần Lan sẵn sàng đề xuất cung cấp các hỗ trợ cần thiết trong tương lai nếu các hội nghị này tiếp diễn. Bộ Ngoại giao Phần Lan mô tả cuộc gặp trên là một "hội nghị thường kỳ có tính chất học thuật". Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá đây là một động thái nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến vào tháng 5 tới.
Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện do Quỹ giáo dục cao học Hàn Quốc tổ chức tại Seoul cùng ngày, Giáo sư John Mearsheimer thuộc Đại học Chicago cho rằng không bao giờ Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân bởi không có lý do gì Bình Nhưỡng lại tin rằng Mỹ sẽ thực thi bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào với nước này.
Giáo sư Mearsheimer nêu rõ: "Không khi nào Triều Tiên có thể tin tưởng Mỹ để từ bỏ vũ khí hạt nhân bởi Mỹ có thể không thực thi thỏa thuận", ám chỉ tới những thỏa thuận giải giáp hạt nhân không thành công giữa Mỹ với Libya và Iran. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng trước mắt "gần như" không có cơ hội hai miền Triều Tiên thống nhất.