Nhưng Ngoại trưởng Dinesh Gunawardena không tiết lộ thời điểm Chính phủ Sri Lanka có thể tạo thay đổi đối với thỏa thuận thuê cảng cùng Trung Quốc.
Trung Quốc vào ngày 24/2 bác bỏ thông tin cho rằng nước này đàm phán lại thỏa thuận thuê cảng với Sri Lanka. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định Trung Quốc hướng đến việc chuyển đổi cảng Hambantota thành trung tâm công nghiệp, vận tải tại Ấn Độ Dương.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin vào năm 2017 Trung Quốc đã ký thỏa thuận thuê cảng Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm với giá 1,1 tỷ USD.
Chính phủ Sri Lanka dùng chính số tiền này để trả khoản vay Trung Quốc vốn dùng cho thi công cảng Hambantota. Nhiều ý kiến cáo buộc rằng diễn biến liên quan đến cảng Hambantota là “chính sách bẫy nợ” của Trung Quốc.
Cảng Hambantota nằm tại cực Nam Sri Lanka, vị trí liên quan đến tuyến đường biển vô cùng quan trọng của Nam Á. Ấn Độ từng tỏ ra lo lắng về kịch bản liên quan tới cảng biển Hambantota bởi cho rằng công trình này có thể giúp Trung Quốc đặt một chân vào khu vực chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Ông Pang Zhongying tại Đại học Hải dương Trung Quốc nhận định Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ đối mặt với thách thức từ các hoạt động ở Sri Lanka ở thời điểm gia tăng cạnh tranh với Mỹ và Ấn Độ trong khu vực này.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá Trung Quốc vốn "nhiệt tình" đầu tư cho các cảng biển và công trình xây dựng tại Sri Lanka – quốc gia Nam Á giữ vị trí chiến lược trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh.
Chính quyền tiền nhiệm tại Sri Lanka đã vay Trung Quốc hàng tỉ USD dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có cảng biển Hambantota. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo Sri Lanka về số nợ lớn của nước này. Còn Trung Quốc vẫn duy trì “đà cho vay” đối với Colombo.