Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Stephane Dion tại trụ sở Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không ngại ngần thể hiện sự tức tối với nữ nhà báo của trang tin iPolitics.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một buổi trả lời báo giới. Ảnh: THX/TTXVN |
Ông cho rằng nữ nhà báo trên đã hành động “vô trách nhiệm” khi hỏi về vấn đề nhân quyền và việc Trung Quốc đang cầm tù Kevin Garratt, một công dân Canada bị buộc tội gián điệp. “Câu hỏi của cô đầy định kiến, thù hằn Trung Quốc và kiêu ngạo… Tôi không biết cô lấy ý đó từ đâu nhưng nó hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông Vương nói không hề che dấu bực tức.
“Những người khác không thể biết rõ hơn người dân Trung Quốc về điều kiện nhân quyền ở Trung Quốc và chỉ người dân Trung Quốc mới ở trong hoàn cảnh tốt nhất, vị thế tốt nhất để nói về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc”, ông nói thêm.
“Vì thế, tôi muốn khuyên cô rằng chớ có đặt câu hỏi với một thái độ vô trách nhiệm như vậy. Chúng tôi hoan nghênh những đề nghị thiện chí nhưng bác bỏ các cáo buộc vô căn cứ hoặc không có cơ sở”, Ngoại trưởng Trung Quốc nêu rõ.
Tuy nhiên, theo quan sát, câu hỏi của nữ phóng viên iPolitics nhận được sự tán thưởng của không ít phóng viên có mặt tại buổi họp báo, bao gồm cả phóng viên của hãng tin Canadian Press.
Chưa dừng lại ở đó, ông Vương Nghị còn vặn vẹo nữ nhà báo xem cô đã từng đặt chân đến Trung Quốc chưa và liệu cô có biết Trung Quốc đã đưa được 600 triệu người thoát khỏi nghèo đói, đồng thời đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Cô có biết rằng Trung Quốc đã luật hóa việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong hiến pháp rồi hay không?”, ông Vương nhìn thẳng nữ nhà báo hỏi.
Trước khi nữ nhà báo iPolitics đặt câu hỏi trực tiếp với Ngoại trưởng Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, Ngoại trưởng Dion tuyên bố cả ông và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đều đã nêu trường hợp của công dân Garratt với ông Vương Nghị và rằng hai bên không bỏ qua các cơ hội thảo luận về nhân quyền cũng như các vấn đề lãnh sự gai góc.
“Chúng tôi đã có các cuộc trò chuyện chân thành và thẳng thắn về nhân quyền và công tác lãnh sự”, người đứng đầu ngành ngoại giao Canada nói. “Các cuộc thảo luận này là trung tâm của một mối quan hệ bền vững… Chúng tôi cần đạt được tiến bộ”.
Ngoại trưởng Dion cũng cho biết hai bên đã nhất trí không đồng ý với vấn đề tranh cãi liên quan đến hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và rằng đã có “các cuộc thảo luận kỹ càng và tôn trọng quan điểm của nhau trong các vấn đề khu vực, trong đó có Biển Đông”.
Những căng thẳng địa chính trị tại châu Á và tham vọng thúc đẩy thương mại tự do song phương là hai nội dung chính chi phối chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Ottawa.
Tại cuộc họp báo, sau khi “bóng gió” về FTA Canada - Hàn Quốc và việc Canada đang theo đuổi các thỏa thuận tương tự với Nhật Bản và Ấn Độ, ông Vương Nghị không quên nhấn mạnh về quy mô FTA giữa Canada và Trung Quốc:
“Tôi muốn nói với các bạn rằng thương mại giữa Canada với các nước này sẽ không lớn bằng giữa Canada với Trung Quốc”.
Ông Vương tự tin tuyên bố: “Tôi muốn đề nghị Canada đàm phán FTA với phía Trung Quốc, nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ không bao giờ áp đặt ý chí của mình lên bạn bè. Điều đó tùy thuộc vào các bạn”.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng đã nhắc lại bước khởi đầu tích cực trong cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Trudeau với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối năm ngoái, đồng thời nhấn mạnh nền tảng quan hệ giữa hai nước được gây dựng từ thời bố của ông Trudeau và tiếp tục phát triển dưới thời của các Thủ tướng Jean Chretien và Paul Martin. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với phía Canada và nắm bắt cơ hội của chính phủ mới để mở ra kỷ nguyên vàng mới trong quan hệ song phương”, ông Vương Nghị khẳng định.
Chính phủ hiện nay của Canada đặt ưu tiên thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ. Việc Thủ tướng Trudeau dành thời gian tiếp Ngoại trưởng Vương Nghị càng cho thấy rõ ưu tiên này.